Hàng loạt các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Quá trình tái cấu trúc chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ
Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa tiết lộ đang kế hoạch niêm yết đơn vị sản xuất xe hơi VinFast của mình trên thị trường chứng khoán Mỹ vào nửa cuối năm 2022, trong một đợt chào bán cổ phiếu dự kiến sẽ huy động ít nhất 3 tỷ USD.
Ngày 3/12/2021, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingoup (VIC) đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (51,52%) trong Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, Việt Nam ("VinFast Việt Nam") cho Công ty VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore ("VinFast Singapore").
Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Tập đoàn Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Mới đây Vingroup cũng đàm phán với các nhà đầu tư bao gồm quỹ chủ quyền Qatar và BlackRock nhằm huy động vốn cổ phần tư nhân khoảng 1 tỷ USD cho VinFast.
Tính đến ngày 19/11/2021, VinFast có vốn điều lệ xấp xỉ 50.500 tỷ đồng, với 2 thành viên góp vốn chủ chốt là Vingroup (51,52%), CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (48,38%). CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là công ty đầu tư của chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Đây cũng là cổ đông lớn nhất đang nắm giữ 33% cổ phần của Vingroup.
Việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ, là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của Công ty.
Ngày 16/11/2021, VinFast chính thức đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ, đặt tại khu vực Playa Vista - được mệnh danh là "Bãi biển Silicon" của thành phố Los Angeles, bang California với rất nhiều các công ty công nghệ hoạt động. Công ty cũng đã ra mắt thành công hai mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021, nhận được sự quan tâm của hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở thị trường Mỹ, VinFast còn đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Ngày 4/11/2021, Công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp Électricité de France (EDF) nhằm thúc đẩy lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng và các dịch vụ liên quan tại Pháp.
Hiện VinFast đang làm việc với các nhà tư vấn là các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới để chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào nửa sau năm 2022. Nếu niêm yết thành công, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán lớn nhất thế giới. Việc này sẽ góp phần củng cố lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và hỗ trợ Công ty dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường rộng lớn này.
VNG Corp nỗ lực gọi vốn chuẩn bị lên sàn chứng khoán Mỹ
Ngoài VinFast của Vingroup chuẩn bị "vươn ra biển lớn", kỳ lân công nghệ VNG (Công ty cổ phần VNG) cũng đang cân nhắc huy động 200-300 triệu USD trước khi niêm yết ở Mỹ thông qua SPAC.
Cụ thể, VNG đang tìm kiếm cơ hội kêu gọi thêm từ 200 triệu USD đến 300 triệu USD từ cả các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư hiện hữu. Số vốn mới kêu gọi sẽ được dùng để củng cố kế hoạch mở rộng hoạt động của Công ty.
Được biết, VNG thành lập vào năm 2014, hiện là công ty game online lớn nhất Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng sở hữu ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, ví điện tử ZaloPay và đầu tư vào một số công ty công nghệ khác như Tiki, Ecotruck, Got It, FPT Online...VNG cũng là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt được vị thế kỳ lân với mức định giá hơn 1 tỷ USD.
Trước đó vào tháng 8, VNG cũng tính đến kế hoạch gọi vốn bằng cách niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC, giá trị thương vụ dự đạt 2 - 3 tỷ USD. Nhưng mới đây, đại diện VNG cho biết sẽ không thực hiện theo cách thức này. Ngược lại, Công ty hướng đến việc niêm yết thông qua hình thức IPO truyền thống. Công ty cũng từng đạt được Biên bản ghi nhớ (MOU) với Nasdaq năm 2017 để theo đuổi phương án phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Về kinh doanh, nửa đầu năm 2021, VNG đạt tổng doanh thu 3.508 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế 221 tỷ đồng, giảm 17%. Nhưng lợi nhuận ròng đạt 438 tỷ đồng, tăng 19%.
Đến cuối quý 3/2021, VNG sở hữu 60% tại Công ty cổ phần Zion - chủ quản ví điện tử ZaloPay. Doanh nghiệp này trích lập dự phòng hơn 1.100 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên, tăng hơn 80% so với đầu năm. Nếu tính phần trích lập tăng thêm và căn cứ tỷ lệ sở hữu trực tiếp của VNG, lỗ lũy kế 9 tháng của chủ quản ZaloPay là hơn 840 tỷ đồng.
Bamboo Airways đang có kế hoạch IPO tại Mỹ
Trung tuần tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways tiết lộ hãng hàng không này dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.
Theo đó, Bamboo Airways muốn IPO tại Mỹ trong quý III, với mục tiêu huy động 200 triệu USD thông qua phát hành 5-7% cổ phần. Theo dự tính của Bamboo Airways, vốn hoá của hãng có thể đạt 4 tỷ USD.
Hiện Bamboo Airways đã lựa chọn một công ty kiểm toán quốc tế để chuẩn bị cho kế hoạch IPO này, dự kiến trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE).
Trong quá khứ, Việt Nam từng có Cavico, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng niêm Nasdaq vào tháng 9/2009, nhưng sau đó bị hủy niêm yết vào tháng 7/2011.