Điểm sáng Mù Cang Chải

Tùng Duy 14/10/2023 07:30

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát huy giá trị bản sắc riêng có và thực hiện những đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo chuỗi giá trị và phát triển các sản phẩm OCOP.

Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải Ảnh: Thanh Miền.

Đây chính là những điểm sáng cho Mù Cang Chải, dù nơi này vẫn còn là một vùng đất khó.

Tạp chí nổi tiếng Condé Nast Traveler đã lựa chọn Mù Cang Chải ở Việt Nam là điểm đến sắc màu nhất thế giới (trong tổng số 40 địa danh toàn cầu). Trải nghiệm về với nơi này sẽ thấy, hạ tầng đáng kể nhất là con đường trải nhựa thoáng đãng từ vùng Tú Lệ của huyện Văn Chấn dẫn sang sơn cước huyện Mù Cang Chải. Núi rừng thăm thẳm mùa vàng trải mênh mang dọc tuyến Quốc lộ 32 lên tới lưng đèo Khau Phạ đã thấy danh thắng ruộng bậc thang tuyệt đẹp của Mù Cang Chải. Người mới đến sẽ có những cảm xúc đặc biệt, riêng có, khi phải “vặn nghiêng sườn núi” để trải nghiệm cung đường Tây Bắc, thế nhưng giao thông “bên vực, bên vách” đã không còn nguy hiểm như thuở nào.

Để có được những điều này là một chặng đường rất dài của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Yên Bái chăm lo cho Mù Cang Chải, trước nhất là giao thông, với tầm nhìn xa về kinh tế du lịch cho đồng bào Mông xứ núi. Và một chặng thuộc dự án nối Mù Cang Chải ra cao tốc Nội Bài - Lào Cai (43km) tới đây hoàn thành chắc chắn sẽ đưa vùng danh thắng này đến gần hơn với miền xuôi. Con đường giá trị 2.000 tỷ đồng được coi là một trong những con đường nằm ở độ cao nhất Việt Nam mà “ngỡ như đi trong mây” rất đặc biệt. Từ đây hình thành các tour du lịch độc đáo nửa vòng cung Tây Bắc đến với các huyện Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn (Yên Bái), đi sang Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu).

Mù Cang Chải có thời tiết mát tựa Sa Pa (Lào Cai), có đèo Khau Phạ hùng vĩ, ruộng bậc thang La Pán Tẩn đặc sắc, rừng trúc Púng Luông 60 năm tuổi, thác Pú Nhu và thác Mơ, có bản Thái nhiều dịch vụ homestay, Tà Chì Nhù sương sớm mờ ảo... Và đặc biệt là những bản đồng bào Mông nguyên sơ mến khách với những chàng trai đánh khèn, những cô gái rực rỡ hồn nhiên, trình diễn và gìn giữ bản sắc văn hóa riêng có.

Trải nghiệm Mù Cang Chải, những người mới đến không tìm kiếm chất lượng 5 sao khi lưu trú, mà sẽ chỉ thấy hạnh phúc khi được chạm tới đại ngàn giàu bản sắc như một cơ hội hiếm có. Những Nghị quyết vực dậy diện mạo xứ núi của Đảng bộ và chính quyền huyện Mù Cang Chải nhiều năm qua đã nhìn rõ điều này. Một vùng sơn cước đang thực sự chuyển hóa “nhan sắc” vùng danh thắng thành kinh tế đổi thay đời sống đồng bào. Không chỉ mạnh dạn từng bước khi thực hiện Chương trình 135 nhiều năm trước, những năm qua, các Chương trình MTQG đã giúp Mù Cang Chải tập trung rất mạnh cho các dự án kinh tế du lịch làm biến chuyển diện mạo từng bản nhỏ.

Bài toán giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn là thách thức lớn. Nhưng Mù Cang Chải quyết tâm vượt khó, chỉ trong ít năm tập trung thi công thủy lợi, cứng hóa đường liên xã, liên bản, dẫn điện, chăm sóc y tế, giáo dục, văn hóa... giai đoạn 2021 - 2025, huyện có tổng vốn kế hoạch giao trên 481 tỷ đồng, trong đó vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 240 tỷ đồng, vốn giảm nghèo bền vững hơn 204 tỷ đồng, vốn xây dựng nông thôn mới trên 25 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 11 tỷ đồng. Trên cơ sở này, năm 2023 huyện triển khai thi công 44 công trình dự án.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết, năm 2023 huyện ưu tiên đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân. Hiện cơ cấu kinh tế Mù Cang Chải đã chuyển dịch tích cực, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước phát triển, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị. Đáng chú ý, kết quả xây dựng nông thôn mới đã chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn có thay đổi rõ nét.

Ở một nơi mà nói đến “xã nông thôn mới” đã không còn quá xa vời, vậy nhưng Mù Cang Chải quyết tâm chỉ 2 năm nữa sẽ có địa phương cán đích. Cơ hội sinh kế cho người nghèo, cải thiện điều kiện sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, công nghệ, tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trong đó vực dậy từ kinh tế du lịch là điểm nhấn quan trọng đang phát huy hiệu quả.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực các Chương chình MTQG, huyện Mù Cang Chải đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Hiện nay Mù Cang Chải đã có vùng sản xuất hoa hồng, sản xuất dược liệu, nấm hương, rau an toàn, gạo nếp tan, gạo séng cù tại các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Khao Mang, Cao Phạ với tổng diện tích trên 800ha. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 570,5 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ và đạt 92,02% chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái (nhiệm kỳ 2020 – 2025) xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng trở thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025; trong đó tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm, riêng 2 huyện 30a giảm bình quân trên 5,5%/năm; đến năm 2025 huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sáng Mù Cang Chải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO