Hôm nay (1/8), phần lớn các trường ĐH trong cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành, phân hiệu của trường. Có thể thấy, điểm chuẩn của các trường ĐH top trên năm nay tăng cao kỷ lục trong lịch sử tuyển sinh ĐH nhiều năm qua khiến không ít thí sinh điểm rất cao 28, 29 điểm, thậm chí 30,25 điểm (cả điểm ưu tiên) vẫn trượt nguyện vọng (NV) 1.
Ảnh minh họa.
Khối trường công an, quân đội đồng loạt tăng điểm chuẩn
Năm nay, khối trường công an, quân đội công bố điểm trúng tuyển sớm hơn hệ thống trường ĐH dân sự, đã tạo điều kiện cho các trường bên ngoài khối có đủ thông tin và thêm cơ sở để lọc hồ sơ ảo. Theo đó, điểm chuẩn của 18 trường quân đội năm nay đều tăng hơn năm ngoái, một số ngành phải dùng đến tiêu chí phụ để xét tuyển.
Trong đó có ngành thí sinh phải đạt 30 điểm mới đỗ ĐH như, thí sinh nữ miền Bắc đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự và thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp A00) và thí sinh nữ miền Bắc (tổ hợp B00) đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y. Ví dụ điểm chuẩn dành cho thí sinh nam miền Bắc đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự là 27,5 điểm, nhưng không phải tất cả thí sinh đạt mức điểm này đều trúng tuyển. Ngoài đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển mức 27,5 điểm, đối tượng thí sinh này chỉ được công nhận trúng tuyển khi đạt cùng lúc cả hai tiêu chí phụ: Điểm môn Toán ≥ 9,4 điểm và điểm môn Lý ≥ 9,5 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn của các trường khối CAND năm nay đều ở ngưỡng rất cao, thấp nhất là 23,5 (ngành an toàn thông tin với thí sinh nam, khối A01). Riêng ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân, nữ thí sinh phải đạt 30,5 điểm khối D01 mới đủ điều kiện đỗ vào trường. Đối với nữ đăng ký vào ĐH Phòng cháy chữa cháy khối A00, thông báo của trường có nêu rõ, có 4 thí sinh đạt cùng mức điểm 30,25 và trường chỉ lấy 3 thí sinh dựa trên tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn chưa làm tròn từ 28,35 điểm. Điều này có nghĩa, một thí sinh đạt 30,25 điểm đã không trúng tuyển vào trường mà em yêu thích.
Đa dạng tiêu chí phụ
Nhìn vào mức điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường năm nay có thể thấy nhiều trường tốp trên có mức điểm chuẩn tăng tới 3-4 điểm so với năm trước.
Cụ thể, tại ĐH Y Hà Nội, mức điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa vẫn cao nhất toàn trường với 29,25 điểm. Đây là mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua của Trường ĐH Y Hà Nội. Khối trường y dược nhìn chung cũng có mức điểm dâng cao hơn so với mức điểm năm ngoái 2-3 điểm. Khoa Y - ĐHQG TP HCM có điểm chuẩn cao nhất vào ngành Y đa khoa là 28,25 điểm (tăng 2,75 điểm) so với năm 2016. Điểm chuẩn Khoa Y - ĐHQG Hà Nội cũng có mức điểm lên tới 27,25 điểm.
Đối với nhóm các trường kinh tế, mức điểm cũng tăng 2-3 điểm so với năm ngoái. Trường ĐH Kinh tế quốc dân có mức điểm chuẩn cao nhất là 27 điểm, mức điểm cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Có ngành tăng tới 5,57 điểm so với năm 2016 (ngành Ngôn ngữ Anh, tiếng Anh nhân hệ số 2).
Trường ĐH Ngoại thương cũng ghi nhận mức điểm trúng tuyển kỷ lục với ngành cao nhất là 28,25, tăng gần 2 điểm so với mức điểm cao nhất của năm 2015 và 2016.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có mức điểm cao nhất lên tới 28,25 điểm (ngành Công nghệ thông tin). Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) có mức điểm chuẩn cao nhất lên tới 28,5 điểm (ngành Đông phương học).
Với điểm số cao như vậy, hầu hết các trường đã công bố điểm thi đều đưa ra tiêu chí phụ để lựa chọn thí sinh có điểm bằng nhau ở cận đáy. Các tiêu chí phụ rất đa dạng và không trường nào giống trường nào.
Chẳng hạn, Trường ĐH Ngoại thương sử dụng tới 3 tiêu chí phụ gồm: Tổng điểm thực 3 môn chưa làm tròn; điểm môn Toán và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. ĐH Bách khoa Hà Nội dựa trên 2 tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn thi chưa tính điểm ưu tiên và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dựa trên 2 tiêu chí phụ là tổng điểm Toán và Tiếng Anh của thí sinh nào cao hơn thì được ưu tiên trước, sau đó đến thứ tự NV.
Theo TS Phạm Thu Hương- Trưởng phòng Đào tạo- Trường ĐH Ngoại thương, việc các trường đưa ra tiêu chí phụ là vì ngoài lượng thí sinh đăng ký vào trường lớn lại có cùng điểm thi, do quy định của Bộ năm nay là làm tròn điểm đến 0,25 điểm. Do đó, thí sinh có điểm 26,9 với thí sinh 27,1 là ở cùng một mức điểm. Do vậy, ở Trường ĐH Ngoại thương và nhiều trường khác, tổng điểm 3 môn chưa làm tròn trở thành tiêu chí phụ quan trọng nhất.
Từ 1/8, các trường sẽ bắt buộc phải công bố điểm chuẩn trúng tuyển và danh sách học sinh trúng tuyển lên website của trường. Những thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển sẽ phải xác nhận việc nhập học bằng cách nộp cho trường bản chính giấy chứng nhận kết quả thi (nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) để khẳng định có học tại trường này hay không.
Trường hợp thí sinh không xác nhận nhập học thì vẫn có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau ngày 13-8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số NV