Thời gian qua, MTTQ các địa phương tại TPHCM luôn sáng tạo ra các mô hình, cách làm hay để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.
Hơn 110 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo
Bà Trần Thị Mai Lý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận cho biết, xuất phát từ ý nghĩa muốn hỗ trợ người nghèo vươn lên trong cuộc sống, từ năm 2003, Mặt trận quận đã phối hợp triển khai mô hình “Cuộc đi bộ gây quỹ xã hội và 13 phường”, với chủ đề “Đồng hành chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn”.
Mô hình được triển khai với các bước như phổ biến đến các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp.
Nhờ được thực hiện bài bản với các bước, cũng như được triển khai liên tục suốt 20 năm nên mô hình đã mang lại hiệu quả cao, huy động được sự tham gia của đông đảo cá nhân, tổ chức trong và ngoài quận tham gia đóng góp với tổng số tiền hơn 110 tỷ đồng.
Theo bà Lý, với số tiền này, quận đã thực hiện xây dựng, sửa chữa 59 căn nhà tình nghĩa, hơn 1.100 căn nhà tình thương, trao tặng trên 8 nghìn suất học bổng, hỗ trợ 196 phương tiện sinh kế, hơn 8 nghìn thẻ Bảo hiểm y tế, trao quà lễ, tết hàng năm... cho các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.
“Mô hình đã giúp đỡ hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vượt chuẩn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm tiếp tục phát huy những kết quả của hệ thống Mặt trận các cấp trong thực hiện chương trình an sinh xã hội với thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” - bà Lý chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận đánh giá, chương trình đi bộ hàng năm còn là dịp vận động người dân tham gia phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ, nhằm kêu gọi, vận động người dân tự chọn cho mình môn thể thao phù hợp để tập luyện và tạo thói quen vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe, thể chất.
Ông Lưu Văn Hải - người tham gia chương trình đi bộ suốt 15 năm qua cho rằng, đây là một chương trình rất ý nghĩa. Ngoài việc tham gia đi bộ để rèn luyện sức khỏe, ông còn vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nghèo.
Bên cạnh đó, năm 2022, ngoài hình thức đi bộ trực tiếp theo truyền thống hàng năm, quận Phú Nhuận còn tổ chức hình thức đi bộ trực tuyến với trên 7.000 người tham gia, đã tham gia đóng góp vào quỹ với số tiền trên 101 triệu đồng nhằm lan tỏa ý nghĩa cao đẹp của mô hình đến với đông đảo người dân, nhất là thanh niên, sinh viên.
Người nghèo thường xuyên được tiếp cận dịch vụ y tế
Một mô hình khác hết sức ý nghĩa, đầy tính nhân văn được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh triển khai cũng mang lại hiệu quả cao, đó là mô hình “Chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Bà Lê Thị Hạnh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh cho hay, đây là việc liên quan đến sức khỏe của người dân nên để triển khai mô hình này, những người thực hiện chương trình được thực hiện qua nhiều bước tương đối khắt khe, như: Vận động các đơn vị tài trợ; Phân công nội dung thực hiện; Xin giấy phép và lập các thủ tục hồ sơ liên quan đến công tác tổ chức khám bệnh; Lập danh sách, đồng thời chuẩn bị quà tặng và bước cuối cùng là bước Tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, tặng quà theo kế hoạch.
Thống kê của Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, từ năm 2017 mô hình đã phối hợp tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc và tặng quà cho hơn 1.700 lượt người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng số tiền trên 800 triệu đồng.
“Đây không chỉ là sự quan tâm, động viên về tinh thần đến những người cần giúp đỡ mà còn tạo thêm mối quan hệ gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể với đơn vị tài trợ thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, ít có điều kiện thăm khám bệnh, đồng thời chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân” - bà Sơn đánh giá.
Bà Lê Thị Năm (72 tuổi, xã Bình Hưng) cho biết, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, nhờ mô hình “Chăm sóc sức khỏe nhân dân” mà bà thường xuyên được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ, phát thuốc miễn phí. “Tôi mong muốn mô hình này được nhân rộng ra khắp cả nước để những người nghèo như tôi được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe” - bà Năm nói.
Trao đổi về mô hình “Chăm sóc sức khỏe nhân dân”, bà Lê Thị Hạnh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh cho biết, đầu tiên cần phải xác định việc chăm sóc những người nghèo, người yếu thế trong xã hội là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó, kết nối phối hợp các mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, cần phát huy, nhân rộng mô hình này đến các địa bàn cơ sở, vùng sâu, vùng xa, những nơi mà bà con nghèo ít có điều kiện tiếp cận y tế.