Tuần qua, nhiều hoạt động ngoại giao diễn ra liên quan tới Syria. Tại thủ đô Damascus, sinh hoạt dần được khôi phục tuy rằng tình hình vẫn bất ổn.
Trong bối cảnh đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen đã đưa ra lời kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực không để Syria rơi vào hỗn loạn. Tại một hội nghị của các nhà ngoại giao cấp cao bao gồm Arab, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Mỹ nhóm họp tại thành phố Aqaba của Jordan bàn về Syria “thời hậu Bashar al-Assad”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố khác vẫn duy trì sự hiện diện ở Syria và muốn lợi dụng giai đoạn bất ổn để cố gắng giành lại tầm ảnh hưởng.
Vừa qua, một phái đoàn ngoại giao Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Cận Đông, bà Barbara Leaf, lần đầu tiên đến Damascus hội đàm với các lãnh đạo mới của Syria (lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Trong chuyến thăm này, phía Mỹ cam kết hỗ trợ Syria tái thiết. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 10 năm các nhà ngoại giao Mỹ chính thức đặt chân đến Syria kể từ khi Mỹ đóng cửa Đại sứ quán ở Damascus vào năm 2012.
Dù là chuyến thăm quan trọng, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chưa có kế hoạch mở lại Đại sứ quán tại Damascus. “Quyết định chính thức về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ được đưa ra sau khi chính quyền mới của Syria thể hiện rõ ràng định hướng và cam kết của mình” - bà Barbara Leaf nói.
Trong một diễn biến khác, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp thêm 1 tỷ euro để hỗ trợ hồi hương tự nguyện người dân Syria, đồng thời nhấn mạnh không để IS trỗi dậy tại Syria sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad bị lật đổ.
"Nguy cơ IS trỗi dậy là có thực. Nhưng chúng ta không để điều đó xảy ra" - bà Leyen nói và cam kết EC sẽ tăng cường "đối thoại trực tiếp" với chính quyền mới do HTS nắm quyền lãnh đạo Syria.
Theo tiến sĩ Sanam Vakil - Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện nghiên cứu Chatham House London (Anh) rất quan trọng là người dân Syria phải được bảo vệ, trong khi chính quyền chuyển tiếp ở Syria phải cần 18 tháng để thiết lập môi trường an toàn và bình ổn trước khi tổ chức bầu cử để người dân chọn ra lãnh đạo mới.
Hiện giới quan sát chính trị quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại các lực lượng do HTS dẫn dắt có thể khiến Syria rơi vào tình trạng bất ổn nếu HTS không thể kiềm chế được các nhóm thành viên trong liên minh vốn đã lỏng lẻo.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lại Đại sứ quán tại Damascus sau hơn 12 năm khi phái bộ ngoại giao của Ankara đóng cửa do xung đột ở Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cho biết, Ankara sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho chính quyền mới ở Syria. “Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự nếu chính quyền mới ở Syria có yêu cầu" - ông Guler nói và thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể thảo luận và đánh giá lại sự hiện diện quân sự tại Syria với chính quyền mới khi đạt đủ điều kiện.
Qatar là quốc gia Trung Đông đầu tiên cử một phái đoàn ngoại giao đến Syria để gặp các quan chức thuộc chính phủ chuyển tiếp nhằm đàm phán về viện trợ cũng như việc mở lại Đại sứ quán.
Tuy nhiên, tình hình tại Syria vẫn tiếp tục căng thẳng. Ngày 21/12, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã triển khai thêm binh sĩ đến Syria để “đáp ứng những nhiệm vụ linh hoạt” và luân phiên tạm thời từ 9 đến 12 tháng. Tướng Pat Ryder - phát ngôn viên Lầu Năm Góc giải thích việc tăng cường sự hiện diện như vậy nhằm bảo vệ những lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Hiện có khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Syria, cao hơn so với con số được công bố trước đó là 900.
Đáng chú ý hơn cả là sau những đợt không kích, quân đội Israel đã tiến vào vùng đệm - nơi phân cách lực lượng Israel và Syria trên Cao nguyên Golan. "Chúng tôi không muốn xung đột với Syria, nhưng củng cố Cao nguyên Golan chính là củng cố Nhà nước Israel. Điều này đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện tại, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ biên giới" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói và lập luận rằng họ hành động để tự vệ trước tình hình bất ổn chính trị ở Syria.
Hiện có khoảng 31.000 người Israel đang định cư ở Cao nguyên Golan. Văn phòng Thủ tướng Israel tiết lộ, chính phủ nước này đã phê duyệt một khoản ngân sách khoảng 11 triệu USD để gia tăng dân số ở Cao nguyên Golan.
Trong một diễn biến khác, thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem ở Liban cho biết, hiện Hezbollah đã mất tuyến tiếp tế quân sự qua ngả Syria. Hezbollah bắt đầu can thiệp vào Syria từ năm 2013 để giúp ông al-Assad chống lại các nhóm đối lập. Không chỉ với Hezbolah, độ nóng còn tăng nhiệt khi quân đội Mỹ và Israel tấn công lực lượng Houthi ở Yemen nhằm ngăn chặn Houthi tấn công vào tàu thuyền ở phía Nam Biển Đỏ và vịnh Aden. Điều đó cũng tác động trực tiếp tới tình hình Syria.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy nỗ lực hỗ trợ Syria sớm ổn định. Đặc phái viên Liên hợp quốc đã có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo nhóm lãnh đạo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), ông Abu Mohammed al-Jolani và Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp Syria, ông Mohammad al-Bashir. Trong khi đó đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh, bà Kaja Kallas, cho biết Đặc phái viên của EU về Syria cũng đã đến thủ đô Damascus để tiếp xúc với các thành phần chủ chốt trong chính quyền chuyển tiếp Syria.