Hội nghị cấp cao trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu tổ chức tại Vương quốc Anh đã khép lại. Đây là lần đầu tiên có một hội nghị được cho là để “đối phó với AI”, với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, ra Tuyên bố chung Bletchley về an toàn AI với chữ ký của đại diện 28 quốc gia tham dự. Nhiều ý kiến cho rằng, các mô hình siêu trí tuệ nhân tạo có tiềm năng to lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và những lợi ích cho xã hội, song cũng gây ra những rủi ro tiềm tàng với sự an toàn của thế giới nếu không phát triển một cách có trách nhiệm.
Tại hội nghị, Chính phủ Anh tuyên bố khoản tài trợ chi cho dự án “Tài nguyên nghiên cứu AI” sẽ tăng lên 300 triệu bảng Anh, gấp 3 lần so với công bố trước đó là 100 triệu bảng Anh. Số tiền đó dành cho việc phân tích những mô hình AI hiện đại và thử nghiệm các tính năng an toàn trong quá trình sử dụng công nghệ mới.
Trong thư gửi hội nghị, Nhà vua Anh Charles viết: “AI là một trong những bước nhảy vọt đáng kể nhất về công nghệ trong lịch sử không ngừng tiến bộ của loài người, với những tiềm năng to lớn trong việc thay đổi cuộc sống của người dân trên toàn thế giới nhưng cũng cần phải đảm bảo công nghệ đang phát triển nhanh chóng này luôn an toàn và tin cậy, trong sự phối hợp toàn cầu”.
Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố thành lập Viện An toàn trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Tương tự, Mỹ công bố thành lập Viện An toàn AI quốc gia, có nhiệm vụ cung cấp hướng dẫn về đánh giá nguy cơ của các hệ thống AI và hướng dẫn quản lý các vấn đề phát sinh liên quan. Cùng đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các công ty AI gửi thông báo tới chính phủ liên bang khi bắt tay vào “huấn luyện những mô hình AI có thể tiềm ẩn rủi ro”, và phải cung cấp các kết quả thử nghiệm độ an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI, Ngoại trưởng Anh James Cleverly khẳng định, “AI không biết thế nào là biên giới” và những tác động của nó với thế giới sẽ ngày càng sâu rộng. Không quốc gia đơn lẻ nào có thể tự ứng phó với các thách thức và nguy cơ từ AI.
Trong Tuyên bố chung Bletchley, các quốc gia tham dự nhấn mạnh phải đảm bảo AI được phát triển và triển khai theo cách an toàn, có trách nhiệm và vì lợi ích của cộng đồng toàn cầu. Việc cố ý lạm dụng AI với những năng lực đặc biệt hoặc vô ý quản lý AI chưa chặt chẽ có thể dẫn đến những nguy cơ tiềm tàng, thậm chí là thảm kịch, đặc biệt là an ninh mạng, công nghệ sinh học, tin giả.
“Phải hiểu rằng AI có nhiều tiềm năng và nguy cơ mà ngay cả người phát triển cũng không nắm hết, vì vậy cần tăng cường phối hợp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học về an toàn AI mà không cản trở việc tận dụng lợi ích từ AI” - tuyên bố chung nêu rõ.
Tuy nhiên, hội nghị cũng chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề cho phép tiếp cận nghiên cứu AI công khai hay kín. Nói như Bộ trưởng Công nghệ Anh Donelan, nếu quá lo sợ về nguy cơ từ AI, thế giới sẽ mất đi cơ hội đưa công nghệ này vào ứng dụng cho những điều tốt đẹp trong chăm sóc sức khỏe, trong giao thông và ứng phó biến đổi khí hậu, trong giải quyết bất bình đẳng. Đó cũng là thảm họa chưa được nghĩ tới một cách kĩ lưỡng.
Trong một thư ngỏ, ông Mustafa Suleyman - nhà đồng sáng lập Google DeepMind, phản đối việc dừng huấn luyện các thế hệ AI tiếp theo nhưng cũng cho rằng đây là một giải pháp có thể được cân nhắc nghiêm túc trong tương lai gần, ít nhất là trong khoảng 5 năm tới khi những mô hình AI thế hệ mới với năng lực cao gấp 10 - 100 lần so với hiện tại sẽ được hoàn thiện. Ông Suleyman dẫn lời nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking rằng, “AI có thể là điều tốt nhất hoặc tồi tệ nhất đến với loài người”.
Trả lời Hãng AP, tỉ phú Elon Musk, người sở hữu Tesla, SpaceX và X (tên cũ Twitter), cảnh báo con người đang đối mặt một thứ gì đó thông minh vượt xa người thông minh nhất của nhân loại. “Tôi vẫn chưa rõ liệu chúng ta thực sự có thể kiểm soát thứ đó hay không” - ông Musk cảm thán.
Sau Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI tại Vương quốc Anh, sẽ có 2 hội nghị quốc tế nữa về AI do Hàn Quốc và Pháp tổ chức, nhằm giúp xây nền tảng vững chắc để thế giới an toàn trong thời đại AI. Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres công bố thành lập Ban cố vấn AI, với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về AI tại Anh, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định tính hai mặt của công nghệ mới và kêu gọi nhận thức rõ các mối đe dọa. “AI có tiềm năng làm được những điều tốt đẹp sâu sắc, nó cũng có khả năng gây ra tác hại sâu sắc. Từ các cuộc tấn công mạng được kích hoạt bởi AI ở quy mô vượt xa bất cứ điều gì chúng ta từng thấy, cho đến các vũ khí sinh học do AI tạo ra có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng triệu người. Những mối đe dọa này rõ ràng là rất sâu sắc và đòi hỏi phải có hành động toàn cầu” - bà Kamala Harris nói.