Từ một thông tin bất thường trên không gian mạng, Công an tỉnh Điện Biên đã lần ra dấu vết, triệt phá thành công một tổ chức tội phạm công nghệ cao đang hoạt động tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
Thông tin từ Cơ quan Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Dù thông tin tiếp nhận chỉ là vài manh mối mờ nhạt trên không gian mạng, song với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Công an tỉnh Điện Biên đã xác lập Chuyên án 625T và phối hợp với lực lượng Công an Lào phá thành công Chuyên án tại trung tâm đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng.
Công an tỉnh Điện Biên nhận định, đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tố xuyên quốc gia, thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức và được điều hành từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đầu tháng 6/2025, Công an tỉnh Điện Biên đã xác lập Chuyên án 625T do đồng chí Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhằm triệt phá toàn bộ đường dây tội phạm trên lãnh thổ nước bạn (Lào).
Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: Các đối tượng phạm tội đã dựng lên một sàn giao dịch vàng ảo mang tên “ATFX”, sau đó các đối tượng tiếp cận với các nạn nhân bằng những tài khoản mạng xã hội được tạo dựng kỹ lưỡng bằng hình ảnh trên Facebook, Zalo, TikTok với thông tin cá nhân chỉn chu, cuộc sống sang chảnh, có điều kiện kinh tế, lối sống sang trọng.
Sau khi các đối tượng dùng thủ đoạn kết bạn, trò chuyện, tán tỉnh, xây dựng mối quan hệ tình cảm hoặc bạn bè tin cậy, các đối tượng mở lối cho nạn nhân bước vào “cuộc chơi đầu tư” với lời hứa hẹn sinh lời lên tới 24% mỗi ngày.
Khi các nạn nhân làm theo hướng dẫn của các đối tượng, những ngày đầu nạn nhân được lãi vài triệu đồng/ngày; tiền lời được chuyển về đầy đủ.
Khi niềm tin nhân lên thì đồng nghĩa với việc số tiền nạn nhân nạp vào cũng lớn lên đến 10 triệu đồng, 50 triệu đồng, 200 triệu đồng,...
Khi nạn nhân yêu cầu rút tiền, các đối tượng bắt đầu sử dụng các chiêu trò như: lỗi kỹ thuật, kiểm tra tài khoản, cần xác minh bổ sung,… nhằm kéo dài thời gian, tiếp tục “vắt cạn” tài sản của "con mồi".
Không dừng lại, các đối tượng còn sử dụng hình ảnh nhạy cảm, tin nhắn riêng tư đã lưu trữ từ trước để đe dọa, ép buộc nạn nhân im lặng hoặc tiếp tục chuyển tiền.
Theo chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm, dù nắm được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, song việc truy vết, phá án rất khó khăn; đặc biệt truy vết tội phạm trên không gian mạng ở địa bàn Tam Giác Vàng là thử thách rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Ban chuyên án.
Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm cho biết: Các đối tượng phạm tội liên tục đổi vị trí ẩn náu, di chuyển qua nhiều tuyến biên giới hở, sử dụng các ứng dụng mã hóa để trao đổi nội bộ. Để bắt quả tang các đối tượng, ban chuyên án phải cử trinh sát bám địa bàn nhiều ngày, phối hợp từng bước với Công an nước bạn Lào để nắm quy luật di chuyển, sơ đồ hoạt động và địa chỉ lưu trú thực tế của từng nhóm nhỏ.
Sau nhiều tháng mật phục, thu thập chứng cứ, hồi 12h30 ngày 5/7, từ trung tâm chỉ huy ở Điện Biên, Ban Chuyên án 625T phát lệnh tổng tấn công.
Tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào), hai mũi trinh sát gồm 58 cán bộ, chiến sĩ Công an Việt Nam và Lào đồng loạt kiểm tra, khám xét hai điểm nghi vấn - nơi được xác định là “tổng hành dinh” của đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
Kết quả, 45 đối tượng bị bắt giữ tại chỗ, trong đó có 14 người Trung Quốc và 31 người Việt Nam. Đối tượng cầm đầu là Hoàng Văn Trung (sinh năm 1994, trú tại Cao Bằng) bị khống chế khi đang ẩn náu trong một quán bar giữa lòng đặc khu.
Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ lượng tang vật khổng lồ phục vụ cho hoạt động phạm tội, gồm: 233 điện thoại di động, 292 máy tính All-in-One, 36 bộ máy tính để bàn, hàng nghìn sim Lào, máy chiếu, thiết bị điện tử…
Đặc biệt, cơ quan chức năng đã thu giữ hai thùng carton chứa hàng trăm sổ tay, tài liệu, mỗi trang là một kịch bản lừa đảo được dàn dựng tỉ mỉ: từ tiếp cận, làm quen đến thao túng tâm lý và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Theo Thượng tá Lâm, cùng thời điểm, tại sân bay Thủ đô Viêng Chăn, một tổ công tác khác của Công an Việt Nam phối hợp với Cơ quan thường trú Bộ Công an tại Lào và các đơn vị nghiệp vụ nước bạn đã kịp thời bắt giữ 14 đối tượng (gồm 13 người Việt Nam, 1 người Trung Quốc) đang làm thủ tục bay sang Phnompenh (Campuchia) nhằm trốn thoát nhưng trong phút chót đã bị chặn đứng, bắt giữ. Tang vật thu giữ gồm 41 điện thoại, 13 hộ chiếu, cùng hàng nghìn USD, Nhân dân tệ và tiền mặt của Lào.
Cũng thời điểm này, tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), một mũi công tác khác tiếp tục khép chặt vòng vây, bắt 15 đối tượng khi đang trên đường di chuyển bằng ôtô từ Lào về Việt Nam để tìm cơ hội vượt biên sang Campuchia bằng đường bộ.
Chỉ trong chưa đầy 24 giờ, 74 đối tượng trong đường dây lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia bị bắt giữ đồng loạt tại ba điểm nóng: Tam Giác Vàng - Viêng Chăn - Tây Trang.
Rạng sáng 9/7/2025, toàn bộ 59 đối tượng cùng tang vật được áp giải an toàn qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, đưa về Công an tỉnh Điện Biên để tiếp tục điều tra mở rộng.
Đến 20h cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 38 bị can, trong đó có các đối tượng chủ mưu về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất đến chung thân.
Theo Thượng tá Lâm, Chuyên án 625T được phá thành công và để lại bài học sắc bén về hành trình điều tra phá án công nghệ cao thời đại số. Kết quả chuyên án cũng thể hiện hiệu quả hợp tác quốc tế thực chất, bền chặt giữa Công an Việt Nam và Công an Lào theo đúng tinh thần chỉ đạo trong bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Bộ trưởng hai nước.
Đây cũng đồng thời là chiến công mang đậm dấu ấn trí tuệ, bản lĩnh, sự đoàn kết và hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng góp phần bảo vệ an ninh không gian mạng, giữ vững lòng tin của nhân dân.