Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên vừa đưa vụ án có yếu tố lừa đảo xuyên quốc gia ra xét xử. Vụ án có 12 bị cáo phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 9 nạn nhân bị lừa đảo tham gia vào các sàn thương mại điện tử giả mạo.
12 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm: Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1999), trú tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bùi Thanh Cường, Nguyễn Văn Thưởng (cùng sinh năm 1992), trú tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; Phàn Thị Liên (sinh năm 1996), trú tại huyện Bảo Thắng và Vương Hồng Thắm (sinh năm 1994), trú tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; Chu Văn Thắng (sinh năm 2001), trú tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Lường Hà Tĩnh (sinh năm 2006), Lò Văn Tính (sinh năm 1990), Lò Quốc Anh (sinh năm 2007), trú tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Lò Hồng Thanh, Lò Văn Quyết (cùng sinh năm 2005) trú tại huyện Điện Biên Đông và Lường Văn Dũng (sinh năm 2002) trú tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 10/2023 đến đầu tháng 1/2024 tại tỉnh Bo Kẹo (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), có một nhóm đối tượng tham gia trong một tổ chức do nhóm người nước ngoài có các biệt danh (Lão Bản, 007, Tóc Xù, Bốn Mắt) quản lý.
Thực hiện theo kịch bản do đối tượng người nước ngoài cung cấp, các đối tượng đã lập nhiều tài khoản mạng xã hội sau đó kết bạn, làm quen và dụ dỗ 9 nạn nhân tham gia vào các sàn thương mại điện tử giả mạo. Dưới sự hướng dẫn của các đối tượng người nước ngoài cầm đầu đường dây cùng hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài, nhóm đối tượng này đã vào làm việc tại các công ty nước ngoài đặt tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng và bắt đầu các hoạt động phạm tội.
Để thuận tiện trong hoạt động, điều hành, nhóm đối tượng này phân công rõ việc cho từng người theo từng vai trò khác nhau, như: tổ trưởng, phiên dịch. Theo từng việc giao, các đối tượng lôi kéo nạn nhân bằng cách cho hưởng hoa hồng trong một số đơn vị đầu tư cụ thể và tăng dần mức lợi nhuận trong các nhiệm vụ tiếp theo tùy thuộc vào mức độ đầu tư trong các sàn giao dịch do chúng lập nên. Tới khi các nạn nhân bị sập bẫy với mức đầu tư lớn thì sẽ có những đơn kẹt, được giải thích với khách hàng là đơn thưởng có giá trị hàng lớn cùng tiền hoa hồng cao và phải nạp thêm tiền vào tài khoản mới hoàn thành được nhiệm vụ và rút được tiền ra.
Sau nhiều đơn thưởng có giá trị lớn dần, khách hàng không đủ tài chính để thực hiện nhiệm vụ thì các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng đi vay tiền của người thân, bạn bè để nạp vào hoàn thành nhiệm vụ, đến khi khách hàng không đủ tiền để làm nhiệm vụ thì các bị can đề nghị cho khách hàng vay tiền với hạn mức cho vay từ 20% - 40% giá trị đơn hàng, số còn lại khách hàng sẽ phải tự lo để nạp vào làm nhiệm vụ.
Với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi như vậy, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của 9 nạn nhân với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi và vai trò của các đối tượng trong tổ chức, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt các bị cáo từ 5 năm đến 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điểm a, khoản 4, điểm a, khoản 3, Điều 174 Bộ Luật hình sự.