Diễn đàn: Sức mạnh mềm - nhân lên điều tốt: Từ thế giới 'ảo' đến đời sống thực

Hoàng Minh 27/05/2019 08:00

Bên cạnh những lợi ích vượt trội, mạng xã hội còn dần trở thành nơi để không ít bạn trẻ có những phát ngôn, lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa thậm chí bôi nhọ người khác, tung tin thất thiệt… Một trong những minh chứng rõ nhất trong ứng xử của người trẻ trên mạng xã hội chính là game online.

Diễn đàn: Sức mạnh mềm - nhân lên điều tốt: Từ thế giới 'ảo' đến đời sống thực

Khi nhắc đến game, đa số cho rằng đó chỉ là một loại hình giải trí “vô bổ”, mất thời gian.

Trong hơn 10 năm trở lại đây chưa bao giờ những câu chuyện xoay quanh game online lại trở thành vấn đề nóng bỏng và thu hút sự chú ý của nhiều người đến như vậy. Kể từ khi mạng lưới Internet được phủ sóng, phổ biến rộng rãi và ngày càng hiện đại hơn, game online cũng theo đó du nhập vào nước ta. Theo thời gian, game online ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt cả về số lượng người chơi, công nghệ game và đặc biệt là vấn đề doanh thu. Với những yếu tố này, game online đã trở thành một hình thức mạng xã hội với số lượng thành viên đông đảo, liên kết thành một cộng đồng “ảo” mà thật.

Tuy nhiên, cũng từ sự phát triển này nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh với vô số những vấn để cả tích cực và tiêu cực. Thế giới “ảo” trong game chính thức bước ra cuộc sống thực. Khái niệm “văn hóa game” cũng đã ra đời và có những tác động đến cộng đồng xã hội, đặc biệt là những người trẻ hiện nay.

Với bản chất là môi trường để giải trí, hầu hết những người tìm đến game online để giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi và tìm kiếm những trải nghiệm mới. Chính vì thế, trong môi trường game online đang hội tụ hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người với những cá tính riêng biệt, sự khác nhau về nhận thức, hoàn cảnh sống, nghề nghiệp… Ở đó, mỗi trò chơi đều có quy định hay luật lệ nhất định điều chỉnh những hành vi ứng xử trong game.

Thế nhưng khi người chơi tham gia vào thế giới “ảo” thì dường như mọi quy định hết sức khó kiểm soát. Khi tham gia các trò chơi, gần như người sử dụng được thỏa sức làm điều mình muốn mà không gặp phải hàng rào về mặt định kiến, chuẩn mực đạo đức hay dư luận xã hội như ngoài cuộc sống thực. Bởi khi chơi game, họ là một con người hoàn toàn khác, không ai biết đến họ là ai ở ngoài đời thực. Từ đó, dù muốn hay không, khi người chơi tham gia cộng đồng game phải chịu sự tác động lẫn nhau, đặc biệt là trong văn hóa ứng xử.

Những game thủ có thể mặc sức sử dụng những từ ngữ tục tĩu, khó nghe, xúc phạm nhất để nói về con người và sự vật họ gặp phải trong game. Khi tức giận, cay cú vì thua cuộc thì việc văng tục, chửi bậy là điều rất hay xảy ra trong các đoạn trao đổi trong game. Thậm chí không chỉ những lúc cáu giận mà kể cả lúc vui hoặc không vì bất cứ điều gì cũng có thể bắt gặp những game thủ chửi bậy. Hiện tượng này đã trở nên rất phổ biến trong giới game online khiến cho cái nhìn của người ngoài với cộng đồng này trở nên không mấy thiện cảm. Chính những phát ngôn không đẹp này đã là nguyên nhân gây ra những vụ ẩu đả từ trong game bước ra ngoài đời thực. Không ít những vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản cá nhân và trật tự an toàn xã hội. Ở đó, nguyên nhân bắt nguồn từ những cuộc chạm trán, xung đột do văng tục, chửi bậy, xúc phạm nhau trong game.

Bản thân chính các nhà phát hành game cũng cảm thấy e ngại và liên tục bổ sung những từ cấm vào danh sách nhưng dường như hiệu quả ngăn chặn không cao. Chính các game thủ luôn tự tìm cách lách luật, sáng tạo ra các ký tự để thay thế. Hơn nữa, việc không có ai bị khóa tài khoản do chửi bậy, nói tục trong game đã trở thành tiền lệ khiến cho game online trở thành “môi trường” hết sức lý tưởng để một bộ phận không nhỏ người chơi liên tục bổ sung thêm các từ “lóng” thô tục, xấu xí cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đáng buồn hơn, việc chơi game online trong thời gian qua đang trở thành một “căn bệnh”. Tại Việt Nam, tình trạng những người trẻ nghiện game ngày một gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Ở đó, nghiện game gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có học sinh vì không có tiền chơi game đã đi trộm cắp, giết người, có sinh viên từng là học sinh giỏi, do chơi game đã không thể qua khỏi các kỳ thi, nợ môn và cuối cùng bị nhà trường cho nghỉ học và đến lúc đó gia đình mới biết con mình đã bị nghiện game…

Có thể thấy, cũng giống như xã hội thực tại với rất nhiều mặt trái phức tạp, việc tồn tại những “hạt sạn” trong văn hóa cộng đồng game online là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thông qua chính dư luận trong thế giới “ảo” này, các thành viên cộng đồng đã và đang kết nối để loại bỏ những “hạt sạn” này để game online tốt đẹp hơn. Bởi thực tế sự tác động qua lại giữa thế giới “ảo” trong game online và thế giới thực ngoài cuộc sống xã hội xảy ra theo cả hai chiều. Ranh giới giữa chúng không hề tồn tại rõ ràng và dễ xác định. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng trong quá trình “game hóa” đối với văn hóa xã hội hiện nay là hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong nội bộ cộng đồng game thủ.

Ở Việt Nam, thực tế khi nhắc đến game, đa số cho rằng đó chỉ là một loại hình giải trí “vô bổ”, mất thời gian, thậm chí nghiêm trọng hơn đó là một “vấn nạn” ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Thế nhưng mặc dù rất nhiều người nhìn nhận ra điều đó nhưng có một nghịch lý số lượng người chơi game lại đang tăng trưởng theo thời gian.

Thực tế cho thấy, 80% các tựa game ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ nước ngoài, do các nhà phát hành ở các quốc gia đó sản xuất và mang đặc trưng của đất nước của họ. Hầu hết các thể loại game hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là nhập vai, bắn súng, phiêu lưu…

Đặc biệt, rất nhiều game còn bao hàm nội dung giới thiệu về lịch sử, văn hóa ở một thời kỳ nào đó. Nhưng rất tiếc nó lại là của Hàn Quốc hay Trung Quốc chứ không phải là của Việt Nam. Ở đó, dù game online đang phát triển như “vũ bão” thì ở Việt Nam những sản phẩm mang thương hiệu Việt, mang tính chất giáo dục vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Trong đó, nguyên nhân chính là các sản phẩm game giáo dục mang thương hiệu Việt chưa thực sự đáp ứng được thị hiếu của cộng đồng game thủ. Rất nhiều sản phẩm ra đời rồi phải “chết yểu” nhanh chóng vì quá ít người chơi và không đủ doanh thu thu về.

Tóm lại, vấn đề ứng xử trên game online nói chung cũng giống như một trò chơi có thắng và có thua. Văn hóa game đang là một sản phẩm không thể loại trừ, thậm chí tạo nên một phần của văn hóa xã hội. Ở đó, mỗi cá nhân cần phải tạo ra được sự thích ứng riêng phù hợp với bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn đàn: Sức mạnh mềm - nhân lên điều tốt: Từ thế giới 'ảo' đến đời sống thực