Liệu quý vị có thấy trong tâm mình bình yên khi được coi là “thành đạt” vì có sừng tê giác để dùng? Đằng sau sự “thành đạt” ấy là tiếng kêu cứu của thiên nhiên hoang dã, là sự tuyệt chủng của một loài động vật mà mình đang góp phần tạo ra, Diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Trần Bảo Sơn nhấn mạnh.
Diễn viên Trần Bảo Sơn, đại diện hình ảnh sáng kiến “Chí”
trong cuộc họp báo ngày 6/7 tại Hà Nội.
Chiều ngày 6/7 tại Hà Nội, Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã TRAFFIC và Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia đã chính thức phát động sáng kiến “Chí” ( hay “Sức tại Chí” giai đoạn 2) với những thông điệp và hình ảnh tươi mới nhằm thay đổi hành vi hướng tới việc không khoan nhượng đối với tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Trần Bảo Sơn đã vinh dự trở thành đại sứ thiện chí của chiến dịch này trong năm 2016 - 2017. Sáng kiến được xây dựng dựa trên khái niệm “Chí” hay “Sức tại Chí” trong văn hoá Việt Nam để tác động tới nhóm đối tượng chính tiêu thụ sừng tê giác: những đàn ông thành thị thành đạt trong độ tuổi 35 đến 55.
Thông điệp “Chí” truyền tải ý tưởng rằng sự thành công, uy tín và may mắn trong cuộc đời người đàn ông bắt nguồn từ ý chí và sức mạnh từ bên trong, không đến từ một mảnh sừng; khuyến khích các doanh nhân thành đạt nên thể hiện bản lĩnh và “Chí” của họ bằng việc trở thành những nhà lãnh đạo tiên phong trong các công việc trách nhiệm xã hội và bảo vệ động vật hoang dã.
Giai đoạn hai của “Chí” được xây dựng trên nền tảng này, nhưng phát triển mạnh mẽ hơn nữa: “Vượng từ Chí, Lụi vì sừng”; tiếp tục kêu gọi giới doanh nhân mạnh dạn trở thành những thủ lĩnh trong cộng đồng của họ và đứng dậy chống lại việc tiêu thụ sừng tê giác trong cuộc sống và trong mạng lưới doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo hôm qua, Trần Bảo Sơn chia sẻ: Là người được công chúng biết đến với vai trò là một doanh nhân và một diễn viên điện ảnh, Sơn cảm thấy rất vinh dự vì điều này. Tuy nhiên mọi sự thành công đều không đến dễ dàng, chỉ có đi lên bằng chính trải nghiệm gian khổ của mình, thì thành công mới bền vững. Liệu quý vị có thấy trong tâm mình bình yên khi được coi là “thành đạt” vì có sừng tê giác để dùng? Đằng sau sự “thành đạt” ấy là tiếng kêu cứu của thiên nhiên hoang dã, là sự tuyệt chủng của một loài động vật mà mình đang góp phần tạo ra. Và rồi khi đa dạng sinh học toàn cầu bị phá vỡ, chính con người lại phải gánh chịu hậu quả.
Ngay sau buổi họp báo, Trần Bảo Sơn nhanh chóng bay trở lại Sài Gòn với dự án phim mới.
Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: Sáng kiến “Chí” đã tiếp cận trên 5 triệu người Việt Nam nói chung và hơn 2 triệu người thuộc nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng tham gia các hội thảo, tập huấn và sự kiện ở Việt Nam. Các khu vực tư nhân và khu vực công đang bắt đầu thể hiện sự lãnh đạo trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã với "Chí" là động lực để không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã. Trước đó, sáng kiến “Chí” giai đoạn một được khởi động vào Ngày Tê Giác Thế Giới – 22/9/014 bởi tổ chức TRAFFIC, Tổ chức Bảo vệ Tê giác Thế giới và tài trợ bởi chính phủ Anh. |
Được biết, hiện tại anh đang chuẩn bị cho bộ phim “Girls 2 - Những cô gái và gangster” của nữ đạo diễn Hongkong Hoàng Chân Chân.