Trước bối cảnh giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay, nhất là giá nguyên liệu sản xuất gốm, sứ xây dựng tăng từ 5 – 30%, đang khiến nhiều nhà sản xuất, các cơ sở kinh doanh gốm, sứ xây dựng đứng trước nguy cơ thua lỗ, nếu không kịp thời điều chỉnh giá bán theo xu hướng thị trường.
Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam (VIBCA) cho biết, Việt Nam là nước đứng thứ 4 thế giới trong ngành gốm sứ xây dựng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin). Doanh số hàng năm của các doanh nghiệp Việt Nam đạt tới khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 500 triệu đô la Mỹ. Đây là một ngành kinh tế đem lại việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp không nhỏ vào GDP của nền kinh tế đất nước.
Theo ông Huy, hiện trên thị trường tất cả các nguyên vật liệu đầu vào đang tăng từ 8 -10% như: Nguyên liệu Sương tăng 8 – 10%, Frit PXS 32 tăng 8%, chất chống đông men TMS tăng 10%, men lót PXQ01 tăng 17%... thậm chí có một số loại tăng đến 30 – 40% như: Than tăng 40%, Bi cao nhôm tăng 37%, chất STTP tăng 38%... Chưa kể phí vận tải tăng 8 – 10%. Như vậy, nếu không điều chỉnh tăng giá bán thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ trầm trọng. “Ngày 14/3 vừa qua, VIBCA đã có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất gốm, sứ trong toàn ngành, đề nghị xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán tăng lên, dự kiến thực hiện vào thời điểm phù hợp trong tháng 4/2022. Đây là một động thái hết sức cần thiết theo diễn biến thị trường hiện nay, Hiệp hội cũng đề nghị các công ty chuẩn bị tâm lý đón nhận thông tin, thông báo tới các đại lí và thị trường, để cùng sẵn sàng hưởng ứng”, ông Huy nói.
Chị Nguyễn Minh Diệp - Giám đốc điều hành tại Công ty TNHH Đổi mới sáng tạo phát triển Toàn Cầu - Điều hành Showroom Viglacera Center (số 10 Hoa Lư, Hà Nội) cho biết, là Showroom duy nhất của Công ty Viglacera tại Hà Nội, giới thiệu và cung ứng các sản phẩm Viglacera toàn quốc, từ nhà dân tới dự án lớn, chúng tôi luôn muốn đưa đến tay khách hàng những sản phẩm chất lượng, uy tín, với giá thành hợp lí nhất. Tuy nhiên, với giá nguyên liệu đầu vào, vận tải, nhiên liệu… tăng mạnh như hiện nay, trong khi chất lượng không thay đổi, giá bán không tăng, công ty đã bị ảnh hưởng rất lớn từ cuối năm 2021 đến nay. Bởi vậy, việc điều chỉnh giá bán là giải pháp cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 959/BXD-KTXD, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.
Đặc biệt, thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động nhiều, tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, hàng tháng, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.