Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ LĐTB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tỷ lệ đóng- hưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH và nghiên cứu điều chỉnh mức đóng- hưởng cho phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Quang cảnh cuộc họp.
Chiều 7/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo, cho ý kiến về việc kiện toàn nhân sự của Ban, xây dựng các Đề án hành động, cho ý kiến về mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 và các giải pháp đẩy mạnh cải cách các đơn vị sự nghiệp công lập…
Báo cáo về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết tiền lương này cơ bản được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường.
Mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017 đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay. Lãnh đạo các bộ cũng đồng tình với đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng trên áp dụng từ năm 2017.
Vẫn theo ông Phạm Minh Huân, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chính sách thu BHXH theo Luật BHXH (sửa đổi) nên nhiều doanh nghiệp lo lắng tăng chi phí chi trả. Hiện tỷ lệ đóng BHXH hiện nay là 32,5%, trong đó chủ sử dụng lao động phải chi trả 22%. Nhiều chủ sử dụng lao động đề nghị giảm từ 22% xuống 18%.
Nên ông Phạm Minh Huân cho biết Hội đồng tiền lương quốc gia đã tính toán xin giảm tỷ lệ đóng góp một số chi phí BHXH cho doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thông báo các kế hoạch về đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng quyền tự chủ tài chính, nhân sự, bộ máy hoạt động nhằm giảm gánh nặng chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công và thu nhập của viên chức, người lao động.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ bày tỏ tán thành với đề xuất kiện toàn Ban chỉ đạo với 27 thành viên của Bộ Nội vụ nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo là Bộ Nội vụ cần xây dựng kế hoạch công tác từ nay tới hết nhiệm kỳ, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên, đặc biệt là kế hoạch triển khai xây dựng các Đề án quan trọng trình Trung ương cho ý kiến gồm: Đề án về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ công chức, lực lượng vũ trang; Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Phó Thủ tướng cho rằng việc xây dựng các Đề án trên là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo, bám sát Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020.
Về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn tất việc lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 9 này.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH tiếp tục đánh giá mức lương tối thiểu này tác động tới đời sống của người lao động, doanh nghiệp; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi căn cứ mức xác định tiền lương tối thiểu vùng; tăng cường giải pháp cung cấp thông tin thị trường lao động để đảm bảo đồng thuận xã hội trong thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm; tổ chức sơ kết 4 năm hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, báo cáo Thủ tướng kiện toàn Hội đồng nhằm nâng cao chất lượng các khuyến nghị với Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tỷ lệ đóng- hưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH và nghiên cứu điều chỉnh mức đóng- hưởng cho phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Đối với các hoạt động cải cách đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Y tế thực hiện “có nét”, hiệu quả nhưng ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao và du lịch,… vẫn chưa quyết liệt thực hiện.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng Nghị quyết Đại hội Đảng XII cho phép đơn vị sự nghiệp công được hạch toán như doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để thực hiện tự chủ, đồng thời yêu cầu các Bộ đẩy mạnh hơn nữa việc trao quyền tự chủ cả về biên chế, nhân sự, tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và thu nhập cho viên chức, người lao động.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ sớm thành lập Ban soạn thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tìm ra giải pháp đột phá trong đổi mới hoạt động.