Dù đang trong giai đoạn rà soát lại quy hoạch của các quận, huyện và TP Thủ Đức, thế nhưng nhiều chuyên gia đô thị, quy hoạch kiến trúc đã lên tiếng cảnh báo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060: Cần phải chậm và chắc nếu không muốn rơi vào tình trạng “loạn quy hoạch” hoặc tạo ra các khu vực quy hoạch “treo” mới giữa lòng thành phố.
Khó khi rà soát lại quy hoạch chung
UBND quận 3 đang xin ý kiến UBND TPHCM được điều chỉnh quy hoạch lại toàn bộ quận này để thu hút đầu tư và phục vụ chương trình phát triển kinh tế cho quận. Đại diện lãnh đạo quận 3 lý giải, hiện tại trên diện tích 4,92km2 của quận đã có đến 10 đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 và một số đồ án liên quan đến quy hoạch 1/500. Phần lớn các đồ án này đã được phê duyệt từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Tương tự, UBND quận 1 dù đã hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu phủ kín 100% quy hoạch (tổng diện tích 772ha). Quận cũng đã phê duyệt 5 đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn tỷ lệ 1/2000 thế nhưng lại đang gặp khó do không còn quỹ đất xây nhà tái định cư.
Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận 1, do nằm trong “vùng lõi” của TPHCM nên điều kiện quỹ đất quy hoạch phát triển dự án nhà ở tại khu vực dân cư cũ có giá trị sử dụng đất rất cao, mật độ dân cư đông đúc, kéo theo các khó khăn về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng…. Điều này cũng đã khiến công tác thu hút đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở của quận gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng khu vực trung tâm TPHCM, các quận, huyện ngoại thành cũng gặp trường hợp tương tự khi rà soát lại quy hoạch chung. Theo Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước, vị trí của huyện được quy hoạch vào nhóm cảng biển số 4 của TPHCM (tầm nhìn đến năm 2050), được quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp với tầm nhìn trở thành trung tâm logistics, cảng biển quan trọng phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Nhà Bè cũng thừa nhận các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp sổ đỏ đang khiến nhiều dự án đầu tư công tại huyện này bị chậm tiến độ hoặc có ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong đó, có những công trình như dự án xây dựng cầu Long Kiểng đã quy hoạch treo và kéo dài 21 năm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn.
Tương tự, tại TP Thủ Đức đang phải loay hoay để giải quyết nhiều dự án treo trên địa bàn đã kéo dài hàng chục năm nhưng còn vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Trực tiếp đến khảo sát các dự án “treo” này, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đã ghi nhận nhiều “điểm nghẽn”, nhất là bất đồng về giá đền bù chưa phù hợp giữa người dân và chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án. Để tháo gỡ, ngoài tìm được tiếng nói chung và sự ủng hộ, đồng hành của người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng cho rằng, TPHCM và Trung ương cần hỗ trợ thêm cơ chế đặc thù để Thủ Đức vận dụng, sớm ổn định cuộc sống người dân. Trước mắt, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, UBND TP Thủ Đức đã chỉ đạo UBND các phường khẩn trương xác minh nguồn gốc đất, xác minh hiện trạng pháp lý để có các căn cứ, giải pháp ưu tiên quyền lợi chính đáng, cấp thiết cho các khu vực dân cư chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch “treo”.
Quy hoạch phải có lợi cho người dân và có tầm nhìn xa
Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 không chỉ quan tâm trước hết đến các vấn đề dân sinh và chồng chéo với các quy hoạch cũ, TPHCM còn phải quan tâm tới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng khiến tốc độ lún của thành phố vào khoảng 16,2 mm mỗi năm. Nếu tốc độ sụt lún này tiếp tục duy trì, khoảng 20 km2 diện tích thành phố có thể chìm dưới mực nước biển vào năm 2030; trong khi khoảng 880 km2 sẽ nằm dưới mực nước biển nếu đất không sụt lún.
Với các rủi ro về địa chất và biến đổi khí hậu như vậy, công tác quy hoạch phát triển đô thị của TPHCM càng phải thận trọng và tìm kiếm các giải pháp an toàn và bền vững hơn.
Nhận thức các tác động rất lớn của đồ án quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng, quy hoạch chung phát triển TPHCM sẽ ưu tiên trước hết đến quyền và lợi ích của người dân. Tức là quy hoạch phải làm lợi cho người dân và không được để người dân vì quy hoạch “treo” mà phải chịu thiệt thòi. Đồng thời, quá trình rà soát quy hoạch tại từng quận, huyện và TP Thủ Đức cần chắc chắn theo những nguyên tắc cơ bản. Đó là nguyên tắc kế thừa và phát triển, tức là phải đồng bộ, kế thừa, bổ sung, vừa cập nhật những vấn đề mới, những yêu cầu mới trong quá trình phát triển đô thị của thành phố. Cùng đó là quy hoạch không gian ngầm không chỉ cho nội đô mà còn nghiên cứu để từ trung tâm thành phố kết nối tốt hơn với các huyện giáp ranh hoặc các trục giao thông lớn giữa TPHCM và các tỉnh, thành lân cận.