Trong lúc người Argentina vỡ òa vì vô địch World Cup, thì cũng là lúc thông tin kinh tế đã đưa họ trở về thực tại. Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 6/1, nền kinh tế Argentina đã suy yếu trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Quý 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp tại Argentina đã tăng từ 6,9% lên 7,1%. Từ những dữ liệu cụ thể, Ngân hàng Trung ương Argentina cho rằng tăng trưởng GDP của năm 2023 chỉ ở khoảng 1%. Nền kinh tế lớn thứ 2 Nam Mỹ tiếp tục lao dốc.
Thâm hụt tài khóa đang gia tăng. Trong tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Argentina báo cáo thâm hụt tài khóa lên tới 227,8 tỷ peso, mức cao nhất (tính theo danh nghĩa) kể từ tháng 6. Ngành công nghiệp du lịch, nguồn cung USD chính của Argentia, ghi nhận ít khách đến hơn khách đi. Dữ liệu chính thức cho thấy kể từ tháng 10/2022 đến nay, chênh lệch giữa khách đi và khách đến Argentina lên tới gần 600.000 người. Điều này sẽ gây áp lực hơn nữa lên đồng nội tệ.
Đại sứ quán Argentina tại Qatar cho biết, khoảng 40.000 người hâm mộ đã tới World Cup để cổ vũ cho đội tuyển. Đó là một trong những nhóm cổ động viên nước ngoài đông nhất kỳ World Cup 2022. Như vậy là họ cũng mang ra khỏi đất nước số ngoại tệ (USD) rất lớn.
“Người hâm mộ Argentina đã bán của cải và vay mượn để tới kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử. Các chính trị gia ở quê nhà làm chúng tôi thất vọng nhưng đội bóng thì không. Họ là niềm hy vọng duy nhất mà chúng tôi có" - anh Nicolas Orellano, luật sư, chủ công ty rượu ở Buenos Aires, chia sẻ.
Argentina đã trải qua những cuộc suy thoái triền miên kể từ thập niên 50 của thế kỷ 20. Trong nhiều thập kỷ, lạm phát tại nước này đều duy trì ở mức 2 con số. Thật đáng lo ngại chỉ trong vòng 6 tháng qua, đồng peso của nước này đã mất 30% giá trị. Dự trữ ngoại hối và đầu tư nước ngoài cạn kiệt. Niềm tin vào chính quyền Tổng thống Alberto Fernandez cũng chạm đáy.
Để cứu vãn tình thế, ông Sergio Massa Chủ tịch Hạ viện được bổ nhiệm kiêm Bộ trưởng phụ trách kinh tế. Nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. "Ông Massa không đưa ra bất cứ điều chỉnh hữu ích nào cho nền kinh tế đất nước, mà cụ thể là năm 2023" - ông Ted Mann, chuyên gia phân tích chứng khoán cấp cao tại Alliance Bernstein nhận xét.
Còn cô Maria Belen Pereyra, 32 tuổi, một giáo viên tiểu học, cho rằng những thay đổi của nền kinh tế sẽ không thể diễn ra chỉ sau một đêm, và cần sự đồng lòng của toàn dân. "Chúng ta ăn mừng chiến thắng tại World Cup vì nó đại diện cho Argentina, nhưng đó chỉ là công lao của khoảng 30 người" - cô nói và thêm rằng để nền kinh tế thay đổi, tất cả phải cùng tạo ra một cú hích.
Trong khi đó, theo AFP, Argentina đã ghi nhận mức lạm phát 94,8% vào năm 2022, cao nhất kể từ năm 1991 (171%). Sang năm 2023, chính phủ nước này đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống còn 60%. Nói với AFP, Julian Rattano, 66 tuổi, một nhà hóa học đã nghỉ hưu, cho biết: "Bạn đứng trước các kệ hàng thực phẩm nhưng lại phải tính toán giá cả như thể bạn đang chọn đồ trang sức". Theo Công ty tư vấn Abeceb, trong năm 2022, một lít sữa tăng 320%, dầu ăn tăng 456% và một kg đường tăng 490%. Giá mặt hàng quần áo và giày dép cũng tăng hơn 120%, trong khi lĩnh vực dịch vụ như khách sạn nhà hàng, giá tăng khoảng 109%.
Hãng tin Reuters cho hay, giá cả tăng đồng nghĩa với việc đồng peso, tờ tiền của Argentina, bị mất giá do lạm phát. "Tôi phải mang theo xấp tiền khổng lồ trong ví” - Laura, 40 tuổi, một luật sư sống tại thủ đô Buenos Aires, cho biết. "Tờ 1.000 peso (khoảng 5,39 USD) không còn đủ giá trị để mua bất cứ thứ gì. Tiền thuê nhà hàng tháng của tôi giờ là hơn 50.000 peso".
Tuy nhiên, ánh sáng có lẽ cũng đã xuất hiện ở cuối đường hầm. Trong một nỗ lực làm chậm lạm phát, Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez đã đạt được thỏa thuận với các công ty thực phẩm và sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân nhằm giữ nguyên giá của khoảng 2.000 sản phẩm cho đến tháng 3 và giới hạn tăng 4%/tháng đối với 30.000 sản phẩm khác. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng dương năm 2023 là rất khó khăn với Argentina vì có thể còn rất lâu mới ra khỏi vùng trũng lạm phát.
Cũng không nhiều người biết rằng, vào đầu thế kỷ 20, Argentina là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, thu hút người nhập cư từ châu Âu, đặc biệt là Italy và Trung Đông. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, hiện 2,6 triệu trong số gần 47 triệu người dân Argentina sống ở mức nghèo khổ.
Argentina, quốc gia lớn thứ hai Nam Mỹ theo diện tích (2.780.000 km2), chỉ sau Brazil; có diện tích lớn thứ 8 trên thế giới và lớn nhất trong số các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Là một cường quốc khu vực, Argentina nằm trong số các thành viên của G20. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của nước này không đều giữa sự tăng trưởng kinh tế cao xen kẽ với những cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Không chỉ là cường quốc bóng đá, Argentina cùng với Uruguay, Argentina được cho là quê hương của vũ điệu Tango vô cùng nổi tiếng. Nó có nguồn gốc từ khu ngoại ô Buenos Aires (Argentina) và Montevideo (Uruguay), xuất phát từ những người nô lệ gốc Phi vào cuối thế kỷ 19. Ngày 30/9/2009, Tango được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.