Các triệu chứng đầu tiên của các bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền khi điều trị tại nhà, các vấn đề tinh thần, tâm lý đối với bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo khi cách ly; quy trình điều trị các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng… là những vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Hoa Kỳ”.
Sự kiện này vừa được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với một số tỉnh phía Nam tổ chức.
PGS.BS Đoàn Đào Viên - Đại học Y khoa Riverside, Đại học California cho rằng, đánh giá nhu cầu khám trực tiếp khi bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã được xét nghiệm khẳng định Covid-19 nên được phân loại thông qua thăm khám sức khỏe từ xa trước khi khám trực tiếp. Tất cả bệnh nhân khó thở, độ bão hòa oxy (SpO2) ≤ 94% thở khí phòng, hoặc các triệu chứng cho thấy cần thăm khám sâu hơn nên được chuyển khám trực tiếp bởi nhân viên y tế. Do vậy, cần cân nhắc lâm sàng trong điều trị bệnh nhân ngoại trú ở hầu hết bệnh nhân người lớn, khó thở có xu hướng xảy ra từ 4 đến 8 ngày sau khởi phát triệu chứng nếu bệnh nhân có khó thở, thậm chí có thể xảy ra sau 10 ngày. Trong khi khó thở nhẹ là phổ biến, khó thở nặng và đau, tức ngực dữ dội cho thấy tiến triển bệnh lý của phổi.
Cũng theo ông Viên, tư vấn về bệnh nhân cần được theo dõi, bác sĩ điều trị nên xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh lý tiến triển. Bên cạnh đó, tư vấn cho tất cả bệnh nhân và thành viên gia đình hoặc người chăm sóc về các triệu chứng cảnh báo để được đánh giá theo dõi nhanh thông qua thăm khám từ xa hoặc tại phòng cấp cứu.
Còn PGS.BS Lê Trần Hoàng - Đại học Y Arizona cho rằng, chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại đơn vị điều trị tích cực thì điều trị hỗ trợ và điều trị theo triệu chứng là chủ yếu. “Bệnh nhân bị Covid-19 nhẹ hoặc trung bình có thể ra khỏi cách ly sau ít nhất 10 ngày từ lúc bắt đầu có triệu chứng và 24 giờ không bị sốt (không cần đến thuốc giảm nhiệt) và có sự cải thiện của những triệu chứng đó. Bệnh nhân bị Covid-19 nặng có thể ra khỏi cách lysau ít nhất 10 đến 20 ngày từ lúc bắt đầu có triệu chứng và 24 giờ không bị sốt.
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ phòng, chống dịch của kiều bào, ông Nguyễn Trác Toàn - Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, từ khi bùng phát dịch đến nay, kiều bào ở bờ Tây nước Mỹ đã quyên góp gửi về Việt Nam trên 300.000 USD, 255 máy thở, trợ thở cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế với giá trị lên tới gần 1 triệu USD. Bà con kiều bào cũng mong muốn thời gian tới, số tiền và vật tư y tế tiếp tục được gửi về sẽ được các cơ quan trong nước tiếp nhận và đưa vào sử dụng hiệu quả.
Ông Toàn cũng thông tin, cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong nước về vật chất, trang thiết bị y tế như máy thở, bộ xét nghiệm, khẩu trang y tế… Hiện phong trào này vẫn đang lan tỏa và diễn ra sôi nổi trong cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông Toàn mong muốn và đề xuất các cơ quan liên quan trong nước nên triển khai tiếp nhận nhanh chóng sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để họ cảm thấy việc đóng góp của mình thật sự có ý nghĩa.