Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, thay thế Thông tư số 08 ban hành từ năm 1988. Một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận đó là việc bỏ hình thức đình chỉ học tập đối với học sinh vi phạm, bởi đây không phải là “liều thuốc” triệt tiêu bạo lực học đường.
Nhiều điểm mới
Dự thảo lần này đưa ra nhiều điểm mới về mục tiêu, nguyên tắc và hình thức áp dụng nhằm tạo môi trường giáo dục công bằng, nhân văn, thúc đẩy sự tiến bộ toàn diện của học sinh. Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm đến các hình thức kỷ luật được đưa ra trong dự thảo, đặc biệt là việc “vắng bóng” hình thức kỷ luật nặng như đình chỉ học tập hay tạm dừng học vốn đang được áp dụng nhiều trong xử lý các vụ bạo lực học đường thời gian qua.
Cụ thể, dự thảo nhấn mạnh mục tiêu kỷ luật không chỉ là xử lý vi phạm mà còn giúp học sinh nhận thức, tự điều chỉnh hành vi và rèn luyện tiến bộ. Nguyên tắc kỷ luật được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến. Mọi hình thức kỷ luật phải bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của học sinh, tuyệt đối không được mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm hay gây tổn hại thể chất, tinh thần.
Đối với học sinh tiểu học, biện pháp kỷ luật giới hạn ở việc nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Với học sinh THCS và THPT, ngoài nhắc nhở và xin lỗi, còn có thể áp dụng phê bình hoặc yêu cầu viết bản kiểm điểm.
Dự thảo cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ như tư vấn, theo dõi, phối hợp với gia đình và các lực lượng khác để giúp học sinh khắc phục sai phạm, hướng đến thay đổi tích cực. Những biện pháp này được coi là phần quan trọng trong quá trình giáo dục học sinh thay vì chỉ đơn thuần xử phạt.
Tuy vậy, nhiều ý kiến lo ngại khi áp dụng các hình thức xử phạt nhẹ nhàng liệu có đủ sức cảnh tỉnh đối với các em học sinh vi phạm hay không? Đơn cử, cùng với thời gian Bộ GDĐT công bố dự thảo này thì Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm đạo đức học đường. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Bình Định xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, song báo cáo chủ yếu tường thuật vụ việc, chưa phân tích nguyên nhân hay đề xuất biện pháp ngăn chặn.
Trong trường hợp này, dư luận băn khoăn rằng nếu chỉ nhắc nhở, xin lỗi, phê bình và viết bản kiểm điểm đối với các học sinh vi phạm đã thực sự là hình thức xử lý nghiêm khắc hay chưa?
Xử phạt để tiến bộ
Theo quy định hiện hành, nếu học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT. Trên thực tế, trong nhiều vụ việc bạo lực học đường, học sinh vi phạm bị tạm dừng học 1, 2 tuần, thậm chí có trường hợp 1 năm với những vụ việc nghiêm trọng. Dù bức xúc, lên án với những hành vi này của học sinh, nhưng câu hỏi đặt ra là trong thời gian bị đình chỉ học tập, những học sinh này sẽ đi đâu, làm gì?
Với kinh nghiệm gần 30 năm đứng lớp, cô giáo Lê Thị Tuyết (Trường THCS Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ, khi học sinh vi phạm, có gia đình sẽ khuyên răn, dạy dỗ con để con nhận thức ra sai lầm của mình. Nhưng nhiều phụ huynh thiếu quan tâm hoặc chưa có phương pháp giáo dục phù hợp, khiến học sinh dễ sa đà vào con đường xấu… Nhiều trường hợp phụ huynh đi làm ăn xa hay cha mẹ không còn ở với nhau, các em ở nhà với ông bà nên thiếu sự chia sẻ, uốn nắn… Do đó, nếu buộc các em nghỉ học thì chưa chắc đã nhận ra lỗi sai, sẽ càng khó giáo dục khi các em quay trở lại nhà trường vì bị thiếu hụt kiến thức, tụt lại phía sau. Thậm chí, nếu thời gian nghỉ học kéo dài, có trường hợp các em bỏ học luôn.
TS Nguyễn Hồi Loan - nguyên Trưởng khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quy định kỷ luật học sinh bằng hình thức đình chỉ học lâu nay luôn có những ý kiến trái chiều. Quy định hiện hành cho phép nhà trường đình chỉ, tạm dừng học tập có thời hạn học sinh nhưng không có nghĩa là khuyến khích nhà trường áp dụng hình thức này. Trước khi áp dụng hình thức kỷ luật, nhà trường cần phải giáo dục học sinh bằng hình thức khác để các em nhận thức được hành vi sai phạm của mình. Nghĩa là tạo cho các em sức tự đề kháng, chứ không phải là dùng biện pháp mạnh.
“Mục tiêu của việc kỷ luật đó là làm sao để học sinh nhận thức và từ bỏ được hành vi xấu, hướng đến những hành vi chuẩn mực trong môi trường giáo dục. Vì vậy, tôi ủng hộ dự thảo bỏ hình thức đình chỉ học tập. Có thể xem xét thêm các hình thức kỷ luật tích cực khác nhiều trường đã và đang áp dụng như các học sinh vi phạm vẫn đến trường nhưng sẽ ngồi trong phòng giám thị tự học có giám sát, đồng thời các em phải viết bản kiểm điểm cá nhân và hứa không tái phạm. Một số hình thức phạt khác như yêu cầu các em làm vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây, xếp lại sách trong thư viện… để các em rèn luyện bản thân, nhận thức lỗi lầm và tự nguyện sửa đổi” – TS Nguyễn Hồi Loan đề xuất.