Định danh văn hóa thời hội nhập

Cẩm Anh 25/04/2019 07:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đề cập đến một nguyên tắc quan trọng kể từ thời hội nhập đến nay: Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Định danh văn hóa thời hội nhập

Đất nước trong suốt quá trình từ đổi mới đến nay, đặc biệt là kể từ thời kỳ hội nhập được đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng là năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, thì câu chuyện giữ gìn bản sắc luôn luôn được đặt ra gay gắt. Đặc biệt là trong quá trình hội nhập và tăng trưởng kinh tế, nhất là trong một “thế giới phẳng” như hiện nay, càng ngày thực tế càng cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc, giữ gìn nhân cách và lối sống. Chính là văn hóa, chính là bản sắc dân tộc sẽ định danh mỗi con người, mỗi đất nước trong dòng chảy của thời kỳ toàn cầu hóa hôm nay.

Đáng tiếc là mặt trái của kinh tế thị trường, của hội nhập thế giới đã làm cho những thang giá trị có phần bị lệch lạc trong những năm qua. Nhiều biểu hiện xuống cấp của đạo đức, của lối sống hiện ra rõ tới mức đáng báo động. Đồng tiền chi phối rất nhiều lĩnh vực, đôi khi làm lung lay tới từng gia đình Việt Nam. Tình nghĩa vợ chồng, đạo nghĩa cha mẹ và con cái không phải không có lúc chao đảo. Quy luật của vật chất chi phối cả vào chốn tâm linh, vào bệnh viện và trường học.

Câu chuyện chùa Ba Vàng chưa lâu hay câu chuyện nâng điểm thi những ngày này thực sự là một biểu hiện đau đớn lung lay niềm tin vào những môi trường mà đáng lẽ phẩm giá và sự trung thực phải được đề cao nhất… Không khó để đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho những điều như thế này. Những tội ác xuất hiện vừa nhiều, vừa khủng khiếp. Thực trạng văn hóa ở vào thời kỳ hội nhập này đáng tiếc không thể phủ nhận rằng nó có những biểu hiện của xuống cấp, suy đồi…

Có thể nói rằng thực trạng diễn biến văn hóa những năm qua không tránh khỏi những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ nước ngoài, mà nếu chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập một cách thiếu tỉnh táo và hồn nhiên thì nguy cơ này ngày càng rõ nét. Nhiều chương trình truyền hình, nhiều chương trình ca nhạc, nhiều bài hát, nhiều kịch bản phim… xa lạ với văn hóa và bản sắc dân tộc được hồn nhiên thực hiện dưới danh nghĩa format đi mua của nước ngoài, mà vì tôn trọng bản quyền nên phải làm như bản gốc của họ. Đau xót nhất của thời kỳ hội nhập này có lẽ là việc những cô gái Việt Nam trở thành món hàng trong những hợp đồng hôn nhân được người nước ngoài đến xem mắt rồi bỏ nhà, bỏ quê đi ra nước ngoài sinh con cái cho họ. Một sự đau xót của lòng tự trọng Việt Nam!

Trong bức tranh chung đáng lo ngại của văn hóa, của bản sắc Việt Nam, phải thừa nhận có lý do từ việc nhiều năm qua chúng ta quá chú trọng phát triển kinh tế mà xao nhãng về văn hóa. Khi con người đã coi lợi nhuận, tiền bạc, của cải vật chất là tất cả và phải tìm mọi cách để có được thì tất yếu dẫn đến những hành động phản văn hóa và ở góc độ nào đó, cái ác phi nhân tính tất yếu được sinh ra.

Nhận ra những điều như vậy, ở thời kỳ mới này, chúng ta không thể tiếp tục đánh đổi văn hóa, đạo đức và giá trị dân tộc cho những mục tiêu kinh tế. Nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc đã trở nên hết sức cấp bách. Trong đó phải nhận biết được yêu cầu đặc trưng của văn hóa Việt Nam ở thời kỳ hội nhập là gì? Có lẽ dù hội nhập thế nào, dù thế giới phẳng đến đâu thì có những giá trị vẫn không thể nào khác được.

Thời kỳ hội nhập phải là thời kỳ mà văn hóa trở thành nguồn lực phát triển với tinh thần cộng đồng, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Nghĩa là nhờ vào văn hóa mà tạo dựng kỷ cương xã hội chứ không thể và không phải là một xã hội bị quy luật của thị trường chi phối chỉ biết có tiền và lợi nhuận. Khác với những năm đầu của thời kỳ đổi mới, sang đến thời kỳ hội nhập này cũng không phải chỉ dừng lại ở một nền văn hóa Việt Nam “đậm đà bản sắc dân tộc”. Văn hóa của thời kỳ hội nhập là một nền văn hóa bản lĩnh Việt Nam nhân tính, nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân ái. Một nền văn hóa trí tuệ để tạo ra những con người mới vừa đủ bản lĩnh và phẩm chất để hội nhập vừa biết trân trọng và gìn giữ những giá trị dân tộc.

Lịch sử đất nước qua hàng nghìn năm chứng minh một chân lý bất biến, khi đã có một nền văn hóa đủ mạnh, đủ bản lĩnh thì chúng ta sẽ vững vàng bước ra với thế giới, cho dù có hội nhập đến đâu, kinh tế phát triển đến đâu chúng ta vẫn không thể hòa tan, vẫn là một đất nước và con người Việt Nam riêng biệt, kiêu hãnh định danh trên bản đồ thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định danh văn hóa thời hội nhập