Thông tin từ Bệnh viện K cho biết, số bệnh ung thư đang ngày càng tăng và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Một trong những yếu tố chính dẫn tới tình trạng này là do thói quen ăn uống thiếu khoa học, ít vận động, uống nhiều bia rượu.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh, quan trọng nhất là thay đổi lối sống, ăn uống khoa học hơn, giảm béo, hạn chế bia rượu và thuốc lá. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao.
PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Vîện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích, dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng, duy trì sinh tồn cơ thể; giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị giúp người bệnh vượt qua liệu trình điều trị. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ hạn chế sự nhân lên của tế bào ung thư, giảm sự tăng sinh mạch máu; hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn chưa có đủ hiểu biết để thực hành dinh dưỡng đúng. Phần lớn mọi người cho rằng, nếu duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều dưỡng chất sẽ đồng nghĩa với việc nuôi các tế bào ung thư. Vì vậy, nhiều bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem, thiếu khoa học.
BS Nguyễn Quỳnh Tú - khoa Ung thư tổng hợp (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khẳng định: Thực tế, người bệnh thường quan niệm thịt đỏ và các thực phẩm giàu đạm (như sữa, trứng…) sẽ làm cho khối u phát triển nhanh hơn, bởi vậy dẫn tới tình trạng hạn chế hoặc kiêng khem đối với các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, đó là một quan niệm sai lầm. Các bằng chứng khoa học hiện nay đều không ủng hộ quan điểm này. Bởi lẽ, đạm là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị, là nguyên liệu bồi phụ lại khối cơ của cơ thể đã mất do quá trình dị hóa, nó còn giúp tăng khả năng ngon miệng trong khi người bệnh luôn chán ăn, ăn uống kém.
Theo BS Tú, dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, giàu đạm giúp người bệnh không suy mòn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, bệnh nhân ung thư nên dùng các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, gạo, miến, bún, các loại rau củ. Các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng…). Đồng thời, ăn nhiều rau xanh, quả chín nhiều chất xơ, ăn nhiều rau củ quả, hạt ngũ cốc toàn phần. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 có trong cá hồi, dầu oliu… Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A có khả năng chống ô xy hóa như: Cà rốt, giá đỗ, cà chua, rau ngót… Đối với thịt động vật, người bệnh nên ăn các loại thịt màu trắng (cá, gia cầm, chim). Hạn chế các thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao, không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói như: Lạp sườn, xúc xích, thịt nguội. Hạn chế các chất kích thích rượu, bia, thuốc lá; không ăn nhiều muối và không dùng dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần. Không dùng thực phẩm bị hư hỏng đặc biệt các loại thực phẩm bị mốc…