Đối với nhiều người, dịp lễ Tết dường như là cơ hội để họ “bỏ quên” những kỷ luật của bản thân, từ chuyện ăn uống cho đến việc tập luyện thể chất. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến một số vấn đề không mong muốn như tăng cân hoặc sức khỏe bị ảnh hưởng trong và sau khi nghỉ Tết.
Dịp Tết, dễ gặp phải các vấn đề về dinh dưỡng
BS Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Sau nghỉ Tết, mọi người thường khen nhau “mập ra”, “béo tốt ra”. Câu khen này đối với thời kỳ còn đói kém, thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng thì rất phấn khởi nhưng đến nay nếu khen “mập ra” thì không phải ai cũng mừng, đặc biệt đối với người thừa cân và béo phì.
Sau những ngày Tết nhiều người lại tăng cân và một số bệnh lại có cơ hội tái phát nhiều hơn. Điều trước tiên phải nói đến nhu cầu năng lượng trong dịp lễ Tết: Thường nhu cầu năng lượng của mọi người giảm hơn do thời gian nghỉ ngơi nhiều, đồng thời hoạt động thể lực/lao động chân tay giảm. Mặt khác trong năm, người bị thừa cân và béo phì hàng ngày thường thực hiện chế độ ăn uống hạn chế kiêng khem, tăng cường hoạt động thể lực, nhưng những ngày Tết thì việc ăn uống thường phóng khoáng hơn và hoạt động thể lực giảm, dẫn tới dễ dàng tăng cân tái phát.
Nguy hiểm hơn, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ ra, dịp Tết là khoảng thời gian trẻ dễ gặp phải các vấn đề về dinh dưỡng. Hậu quả có thể kéo dài mà phụ huynh không lường trước được. Vấn đề dinh dưỡng thường gặp nhất là trẻ ăn uống mất cân đối dẫn đến thừa chất này thiếu chất kia. Đáng lưu ý, trẻ sụt cân hay tăng cân vào ngày Tết đều có thể bị suy dinh dưỡng.
“Giờ giấc sinh hoạt, ăn uống bị xáo trộn, trẻ ham chơi thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa, ăn thiếu vi chất làm giảm sức đề kháng... còn khiến trẻ gặp phải các vấn đề dinh dưỡng khác như biếng ăn, táo bón, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, dễ mắc bệnh vặt... Trẻ em chỉ cần gặp vấn đề dinh dưỡng trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng, kìm hãm tốc độ tăng trưởng tối ưu đều đặn mà trẻ cần phải có. Từ đó trẻ bị mất đi cân nặng và chiều cao quý giá.
Các vấn đề dinh dưỡng này có thể không dừng lại sau Tết mà còn “theo đà” ảnh hưởng lâu dài, khiến trẻ phải chịu nhiều hệ luỵ sức khỏe, thể chất, chiều cao, cân nặng... mà ba mẹ không thể thấy ngay được bằng mắt thường” - BS Mai cảnh báo.
Lấy lại cân bằng dinh dưỡng
Từ những lí do kể trên, nhiều chuyên gia y tế nhận định, cân bằng dinh dưỡng sau Tết để cơ thể được trở lại bình thường là điều vô cùng quan trọng.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ ra những loại thực phẩm tốt và lành sau Tết thích hợp với người dân như các loại thực phẩm nhiều chất xơ: Các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu que, đậu đũa, măng tre, giá, bắp cải, cà rốt, su hào, nấm… các chất này đóng vai trò chất xơ không hòa tan góp phần hạn chế sự hấp thu và kéo các chất béo ra khỏi cơ thể.
Về gia vị, sử dụng loại gia vị giúp phát huy hiệu quả các vitamin nhóm B, giúp tăng cường chuyển hóa và giảm béo. Bên cạnh đó nên ăn cá, rong biển, ốc, hến thay cho thịt, giúp dễ tiêu và không tăng thêm lượng calo cho cơ thể. Chế biến thực phẩm nên luộc hầm để có được thực phẩm thanh đạm. Đồng thời hạn chế các món chiên, món nướng. Hạn chế các thực phẩm nhiều mỡ, nhiều đạm, nước uống có cồn, nước uống có gas.
Các chuyên gia y tế cũng khẳng định: Nước trái cây tươi không chỉ bổ sung cho cơ thể nhiều loại vitamin cần thiết để phòng bệnh mà còn chữa được một số bệnh thông thường như cảm cúm, ho, viêm nhiễm. Đồng thời giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống lão hóa tế bào nên giúp con người giữ được nét trẻ trung như mơ, nho, dâu, cam, chanh, bưởi, sơ ri... Tuy nhiên nên dùng nước ép trực tiếp không qua chế biến hoặc đóng hộp vì có sử dụng chất bảo quản và nhiều vitamin đã bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Những ngày Tết cơ thể đã quen được “ăn uống thả ga”. Vậy nên dù cơ thể có “phì nhiêu” hơn, cũng không nên đột ngột cắt giảm các bữa ăn chính. Sự thay đổi đột ngột và thiếu khoa học dễ làm cơ thể không những hết uể oải sau Tết mà còn mệt mỏi hơn…
Theo các chuyên gia y tế, trong kỳ nghỉ Tết, mọi người có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian làm việc, lao động chân tay giảm, do đó tiêu hao năng lượng ít hơn so với ngày thường. Nhưng trên thực tế, việc cung cấp năng luợng thì ngược lại, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết lại có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường…