Sức khỏe

Dinh dưỡng hợp lý - yếu tố sống còn với người bệnh xơ gan

Bs. Cấn Thị Thu Hằng (Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai) 21/07/2025 10:30

Xơ gan là hậu quả cuối cùng của quá trình tổn thương gan mạn tính kéo dài, với các nguyên nhân thường gặp như viêm gan virus B, C, lạm dụng rượu bia hoặc gan nhiễm mỡ liên quan đến béo phì. Khi đã tiến triển đến giai đoạn xơ hóa, gan gần như không còn khả năng tái tạo, và việc điều trị không chỉ phụ thuộc vào thuốc mà còn cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học, cá thể hóa cho từng người bệnh.

Nguyên tắc đầu tiên trong dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan là đảm bảo đủ năng lượng và protein để hạn chế tình trạng dị hóa, teo cơ và suy kiệt. Với người bệnh chưa có dấu hiệu suy dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng khoảng 30–35 kcal/kg/ngày và protein vào khoảng 1,2 g/kg. Trong trường hợp có biểu hiện suy kiệt hoặc teo cơ, lượng protein có thể tăng lên tới 1,5 g/kg/ngày, nhưng cần ưu tiên nhóm acid amin phân nhánh (BCAA) để giảm nguy cơ hôn mê gan. Chất béo vẫn cần thiết, chiếm khoảng 20–25% tổng năng lượng, nhưng nên dùng dầu thực vật và các acid béo tốt như omega-3 từ cá và các loại hạt. Bên cạnh đó, người bệnh cần được cung cấp đầy đủ vitamin A, D, E, K và chất xơ, tránh thiếu hụt do khả năng hấp thu của gan bị giảm.

Một điểm quan trọng là người bệnh xơ gan rất dễ rơi vào tình trạng hạ đường huyết do khả năng dự trữ glycogen của gan kém. Vì vậy, cần chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, từ 4 đến 6 bữa mỗi ngày. Một bữa ăn nhẹ vào buổi tối trước khi ngủ cũng có tác dụng hạn chế việc phân giải protein từ cơ. Tuyệt đối không nên nhịn ăn, bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều trong một lần. Các món ăn cần chế biến mềm, dễ tiêu, hạn chế chiên rán nhiều dầu mỡ và nên luân phiên thay đổi để tạo cảm giác ngon miệng.

Về lựa chọn thực phẩm, người bệnh nên ưu tiên nhóm đạm dễ tiêu, ít sinh amoniac như cá, thịt nạc, sữa tách béo, đậu đỗ và rau xanh non. Các loại rau củ như đu đủ, khoai lang, rau đay vừa giúp bổ sung vitamin, vừa hỗ trợ tiêu hóa. Ngược lại, cần tránh tuyệt đối phủ tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn, hải sản lạ dễ gây dị ứng và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Việc kiểm soát muối là bắt buộc khi có biểu hiện phù hoặc cổ trướng, do muối làm gia tăng giữ nước trong cơ thể. Trong những trường hợp này, chế độ ăn nhạt hoàn toàn có thể cần thiết.

Cuối cùng, người bệnh xơ gan cần được theo dõi cân nặng, vòng bụng, lượng nước tiểu hàng ngày và báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường. Chế độ ăn khoa học không thay thế được thuốc, nhưng là một phần không thể thiếu để người bệnh duy trì chức năng gan còn lại, nâng cao chất lượng sống và làm chậm tiến triển của bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dinh dưỡng hợp lý - yếu tố sống còn với người bệnh xơ gan