Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Kiến trúc đình làng Việt”, 2 diễn giả TS Nguyễn Hồng Kiên và TS.KTS Hoàng Đạo Cương vừa tổ chức buổi giới thiệu đến độc giả những nét đặc trưng về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật ngôi đình làng Việt cổ và một số chia sẻ về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị ngôi đình làng trong đời sống văn hóa đương đại.
Đình Thần Quy đang “thoi thóp” chờ cứu. Ảnh: Vân Vân.
Đình làng- một mảnh hồn quê
Đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Đình được xem là một đại diện cho kiến trúc Việt Nam gắn liền với văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam.
Lúc đầu, đình chỉ có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, nộp sưu thuế và nơi nghỉ cho khách lỡ đường. Về sau, triều đình phong kiến mới sắc phong cho những vị có công với nước làm Thành Hoàng làng (sống làm tướng, thác làm thần). Vì vậy đình kiêm chức năng nữa là thờ vị Thành Hoàng - người có công khẩn đất, lập làng. Cũng có thời kỳ, đình làng là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước xách hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt… Đình làng gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã.
Vẻ đẹp của kiến trúc đình làng hết sức cô đọng, tập trung và không thể nhầm lẫn với các loại hình kiến trúc cổ khác như đền, chùa, miếu mạo. Đình đã trở thành biểu tượng của làng, là niềm tự hào của cộng đồng, là hình ảnh sâu đậm trong tâm thức người Việt. Với bộ mái rộng lớn, góc mái đao cong vút như cả bầu trời úp lên những cây cột to vài người ôm mới xuể, đình làng còn là nơi chứa đựng nghệ thuật điêu khắc dân gian độc đáo.
Trong thi công kiến trúc và trang trí nội thất, có những đình làng do nhiều hiệp thợ cùng làm, mỗi hiệp thợ được phân công một phần việc, không ai bảo ai, ra sức trố tài song khi hoàn thành công trình toàn bộ lắp ráp hoàn chỉnh và thống nhất đến cục bộ chi tiết, lại có biến hóa phong phú tùy tài tùy hứng các nghệ nhân. Nhiều chi tiết đối xứng nhau, cấu kiện có tính năng như nhau nhưng không hề có sự lặp lại nên kiến trúc đình làng mang tính dân gian đậm nét và độc đáo hơn tất cả các loại hình kiến trúc cổ khác.
Thoi thóp chờ cứu…
Thời gian qua, hàng chục ngôi đình đã được xếp hạng di tích thi nhau kêu cứu trong tình trạng “thương tật” nặng nề như đình Thần Quy (Phú Xuyên, Hà Nội), đình Đình Chu (Vĩnh Phúc), đình An Hựu, đình Thủ Lễ… Mái ngói thì thủng lỗ chỗ, những trụ cột trống đỡ cho ngôi đình bị mối xông vào tận lõi, khuôn viên sụt lún, cỏ mọc um tùm. Thực trạng xuống cấp của nguyên vật liệu, sự lấn chiếm không gian di tích của các khu vực dân cư xung quanh đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các ngôi đình.
Kiến trúc đình làng thường sử dụng những vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương đã được khai thác và sử dụng phổ biến: tranh, tre, nứa, lá, gỗ, đá... sau này còn có các vật liệu khác như gạch, ngói, sành, sứ,... trải qua mưa bão sẽ không thể chống chọi lâu dài.
Theo TS Nguyễn Hồng Kiên: “Từ thực tiễn 24 năm làm trùng tu di tích kiến trúc, được các cụ nghệ nhân, các kiến trúc sư, dạy cho, và công nhận rằng: cứ khoảng 60 năm di tích kiến trúc gỗ cần và đã được Đại Tu một lần”. Nhưng việc trùng tu một di tích cần kinh phí rất lớn và đòi hỏi một đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp, để làm mới, làm đẹp nhưng không đánh mất giá trị cốt lõi của di tích, nói như GS.Hoàng Đạo Kính: “Nếu không duy trì được giá trị lịch sử, trùng tu trở thành vô nghĩa”.
Hay hòa nhập với đời sống đương đại
Trong giai đoạn hiện nay, xu thế toàn cầu hóa đã tác động không nhỏ tới đời sống làng quê Việt Nam, đô thị hóa ở nông thôn biến chuyển từng ngày, từng giờ, đình làng cũng dần bị đẩy xa, ngôi nhà chung của cộng đồng bị đóng kín, nơi sinh hoạt làng xã nay chuyển về các nhà văn hóa thôn, xóm.
Đình làng trước đây là nơi người dân đến để tham gia và thưởng thức các trò chơi, diễn xướng... thì nay nhu cầu đó chuyển về gia đình với các phương tiện truyền thông hiện đại... Điều đó đã dẫn đến những giá trị văn hóa và nghệ thuật của đình làng dần mờ nhạt, việc bảo lưu các giá trị truyền thống nơi làng quê có chiều hướng bị lệch lạc.
Hơn nữa, không gian di sản đình làng mới chủ yếu được nhắc đến với tư cách là nơi thờ tự các vị Thành Hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề; nơi gìn giữ những tinh hoa kiến trúc, điêu khắc của dân tộc. Trong khi đó, chức năng cơ bản nhất là quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng của đình làng chưa được bàn nhiều. Việc trùng tu chỉ có thể gia cố lại phần xác trong khi đã mất đi phần hồn liệu có thể tồn tại được bao lâu?
Nền tảng của đình chính là những ngôi làng mà các đình ấy tồn tại. Đình làng vốn là công trình được xây dựng từ sự đóng góp của chính người dân trong làng và tồn tại nhờ những giá trị văn hóa, tinh thần nó đem lại, đình làng từng được coi như tấm bùa hộ mệnh của mỗi làng. Bởi vậy, chúng ta không chỉ gìn giữ các di sản tích kiến trúc đình làng, mà còn phải gìn giữ mối tương quan của con người với di sản đó.
Thay vì chỉ tu bổ đình chính, chúng ta lên xây dựng cả cảnh quan xung quanh và phục hồi công năng của đình là nơi gắn kết cộng đồng làng xã. Điều quan trọng là làm sao để người dân hiểu và tiếp tục gắn bó với đình làng, thì cộng đồng làng xã sẽ được cố kết với nhau, sẽ có chỗ dựa vững chắc trong tương lai.