Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Định lượng giờ làm thêm

Miên Thảo 10/04/2024 08:56

Quy định về quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên (từ 15 tuổi trở lên) không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học; không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất đưa vào dự thảo Luật Việc làm, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. Trong đó, không ít người cho rằng quy định như vậy là thiếu thực tiễn và khó khả thi.

Giải thích, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động. Nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) đón nhận thông tin này với tâm trạng băn khoăn, ngay cả phía người sử dụng lao động cũng vậy. Nếu quy định không quá 20 giờ/tuần thì doanh nghiệp rất khó tuyển người, bởi thu nhập ít không đủ để HSSV trang trải chi phí đi lại. Quy định như vậy sẽ bất lợi cho cả hai phía.

Thực tế thì nhiều năm qua không ít HSSV, nhất là SV đi làm thêm để có thu nhập, phần thì lo cho cuộc sống sinh hoạt của mình, phần thì giảm gánh nặng cho cha mẹ. Nhiều SV tìm việc làm thêm còn là để có kinh nghiệm cuộc sống, tránh khỏi bỡ ngỡ khi vào đời. Điều đó được các nhà giáo dục gọi là “kỹ năng mềm”.

Nhìn chung, xã hội ủng hộ việc làm thêm của SV, miễn là không ảnh hưởng, không làm kết quả học tập sa sút.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, một số quốc gia có quy định giới hạn giờ làm thêm đối với du học sinh là bởi họ lo ngại SV sang đó du học không đúng mục đích. Còn với Việt Nam, SV học theo tín chỉ, quy định quản lý SV theo tín chỉ đã rõ ràng và đủ. Việc tiếp thu phương pháp quản lý SV từ nước ngoài là tốt, nhưng cũng cần phải xem xét khi đưa ra quy định phải phù hợp với Việt Nam, tránh việc mô phỏng quy định từ nước ngoài thiếu tính thực tiễn.

Còn theo ông Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thì các trường đại học, cao đẳng đã có cơ chế quản lý SV học tín chỉ, có thi cử và đánh giá rõ ràng. Việc HSSV đủ tuổi lao động, đi làm thêm là việc nên khuyến khích, giúp các bạn trẻ có thể bù đắp một phần chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống, thêm kinh nghiệm sống, trau dồi kỹ năng… Với hơn 2 triệu SV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, thì đây là lượng lao động không nhỏ. Vì vậy, chính sách đưa ra giới hạn 20 giờ/tuần cũng cần phải có khảo sát, đánh giá tác động cụ thể.

Nhiệm vụ chính của HSSV là học tập. Tuy nhiên, việc làm thêm cũng cần được khuyến khích, nhất là với những SV xa nhà lên thành phố học tập. Không phải gia đình SV nào cũng khá giả, chu cấp đầy đủ tiền ăn học cho con. Ngược lại, số gia đình khó khăn, cũng có nghĩa là số SV nghèo nhiều hơn. Các em không sa đà vào những trò vô bổ nhiều quyến rũ chốn thị thành mà tìm kiếm việc làm thêm, thì đó chính là những người trẻ có ý thức tốt. Họ biết thương cha thương mẹ và biết quý những đồng tiền do lao động chân chính mà có.

Câu hỏi đặt ra là: Việc quy định (dự thảo) giới hạn 20 giờ/tuần làm thêm với HSSV có phù hợp với thực tiễn và liệu có khả thi? Nhiều trường đại học cho biết, trường hợp SV làm thêm 48 giờ/tuần nhưng chỉ báo 20 giờ/tuần (tương đương 3 giờ/ngày) thì trường cũng không thể biết được một cách chính xác, khi mà mỗi trường có hàng nghìn, thậm chí chục nghìn SV.

Quan trọng là ý thức của SV, họ cần tự biết "cân đo đong đếm" thời gian để việc làm thêm không ảnh hưởng kết quả học tập. Cần phải có niềm tin vào thế hệ trẻ, không thể "ép" HSSV ký cam kết đi làm thêm không quá 20 giờ/tuần. Vả chăng các trường không có chức năng làm việc này.

Hiện, ở các thành phố, số tiền HSSV làm thêm có được là từ 18.000 đồng đến 22.000 đồng/giờ. Thu nhập ít nhưng lo được khá nhiều cho cuộc sống sinh hoạt vốn tằn tiện của SV. Tất nhiên, nếu “ham làm” quá, làm đến kiệt sức, không còn thời gian học tập, nghỉ ngơi là điều không nên.

Quy định số giờ làm thêm đối với HSSV thế nào cho hợp lý rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi. Nhân đây, xin được dẫn lời của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Hội đồng Quản lý và Hội đồng Khoa học (Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục và nghề nghiệp) khi trao đổi với truyền thông. Bà Huyền cho biết, thế hệ của bà SV rất ít làm thêm. Hầu hết SV tập trung hoàn toàn vào công việc học tập, thi cử. Điều này cũng khiến cho SV thiếu các kỹ năng cần thiết để hòa nhập thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định lượng giờ làm thêm