Bên ngoài một sàn giao dịch ngoại tệ ở thủ đô Zimbabwe, những đám đông khao khát đồng USD đẩy nhau chen chúc.
“Hãy đứng vững vào”, một số người hét lên, cố gắng ngăn những người khác chen vào hàng để đổi lấy số tiền có thể giúp họ giảm giá đối với các hàng hóa được gắn với đồng nội tệ đang mất giá nhanh chóng.
Gần hai năm trở thành đại dịch toàn cầu, sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới do biến thể Omicron gây ra một lần nữa khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, ngành du lịch đóng băng, làm dấy lên nỗi lo ngại bệnh viện quá tải. Đồng thời những kế hoạch du lịch và nghỉ lễ ở các quốc gia trên thế giới đều bị đình trệ.
Nhưng ở Zimbabwe và các quốc gia châu Phi khác, sự hồi sinh của biến thể Omicron đang đe dọa sự sống còn của hàng triệu người, đẩy họ đến bờ vực bởi một đại dịch khác vốn đã tàn phá nền kinh tế của họ trong nhiều thập kỷ.
Khi thức ăn chưa được đặt lên bàn, thì nỗi lo lắng về việc có nên tụ họp với các thành viên trong gia đình giữa kỳ nghỉ hay không hoặc chú ý đến các thông báo công khai thúc giục các biện pháp phòng ngừa đại dịch Covid-19 sẽ chỉ còn là thứ yếu.
“Đúng, tôi đã nghe nói về biến thể mới, nhưng không bao giờ có thể tồi tệ hơn việc không có gì để ăn ở nhà ngay bây giờ”, Joshua Nyoni, nhân viên cửa hàng nội thất, một trong số hàng chục người đang đợi bên ngoài sàn giao dịch, cho biết.
Giống như nhiều người khác trong đám đông hỗn loạn, Nyoni luân phiên đeo khẩu trang dưới cằm hoặc bỏ vào túi.
Ủy ban Kinh tế của Liên hợp quốc về châu Phi, hay ECA, đã lưu ý vào tháng 3/2021 rằng, khoảng 9/10 số người nghèo trên thế giới đều sống ở Châu Phi.
ECA hiện cảnh báo rằng những tác động kinh tế đã có kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020 “sẽ đẩy thêm 5 đến 29 triệu người xuống dưới mức nghèo cùng cực”.
Cơ quan này cho biết: “Nếu tác động của đại dịch không bị giới hạn vào năm 2021, thêm 59 triệu người có thể chịu chung số phận, điều này sẽ nâng tổng số người châu Phi cực kỳ nghèo lên đến con số 514 triệu người”.
Ngân hàng Thế giới ước tính nền kinh tế đã đi từ mức tăng trưởng 2,4% vào năm 2019 xuống mức giảm 3,3% vào năm 2020, đẩy châu Phi vào cuộc suy thoái đầu tiên sau 25 năm.
Sean Granville-Ross, giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Mercy Corps nhấn mạnh: “Sự gián đoạn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã đẩy cuộc khủng hoảng lương thực xuống bờ vực thẳm”.
Granville-Ross cho biết tổ chức của ông vào năm 2021 đã chứng kiến "nhu cầu tăng đột biến đáng báo động" ở các khu vực như Sahel, Tây Phi, Đông Phi và nam Phi, nơi một số quốc gia đã trải qua các cuộc khủng hoảng nhân đạo và xung đột ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu.
Lo lắng hiện đang gia tăng trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 do biến thể mới Omicron tăng đột biến ở châu Phi, hiện chiếm khoảng 9 triệu trong tổng số khoảng 275 triệu ca trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nhiều tháng đã mô tả Châu Phi là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới” trong các báo cáo đại dịch hàng tuần của mình. Nhưng kể từ giữa tháng 12, những báo cáo này đã cho thấy số ca mắc mới "hiện đang tăng gấp đôi cứ sau 5 ngày, tốc độ nhanh nhất trong năm nay" khi các biến thể Delta và Omicron xâm chiếm. Cả Nam Phi và Zimbabwe đều báo cáo số lượng giảm trong tuần qua, nhưng các nhà chức trách vẫn đang hết sức thận trọng.
Granville-Ross nói: “Các hạn chế đi lại được gia hạn và việc đóng cửa ‘có thể xảy ra’ sẽ chỉ đẩy thêm hàng triệu người dân vào cảnh nghèo đói và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế vốn đã rất ít ỏi mà chúng ta đã bắt đầu thấy”.
So với toàn châu lục, nơi chỉ có hơn 7% dân số đã được tiêm hai mũi vaccine Covid-19, Zimbabwe hiện được coi là một câu chuyện thành công - mặc dù chỉ có khoảng 20% trong số 15 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ.
Trong bối cảnh do dự kéo dài, chính phủ đã đe dọa mở rộng các biện pháp tiêm chủng. Nhưng đối với nhiều người dân, nỗi lo nhiễm virus sẽ phải nhường chỗ lại cho một nhiệm vụ cấp bách hơn đó là tìm đủ tiền để nuôi sống gia đình của họ.
Hàng chục người dân khao khát tiếp cận với tiền trong một nền kinh tế mà tiền mặt, đặc biệt là đồng USD đang là vua. Họ ngủ bên ngoài cả các sàn giao dịch ngoại tệ và ngân hàng, tập trung đông đúc trong nhiều ngày. Những người cao tuổi, nhiều người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, đứng xếp hàng chật cứng dài hàng cây số để chờ rút lương hưu.
“Tôi thà dành thời gian ở đây hơn là xếp hàng mua vaccine”, Nyoni, một người chờ đợi bên ngoài quầy thu đổi ngoại tệ đông đúc nói.
“Nếu tôi nhiễm virus, họ có thể cách ly tôi, điều trị hoặc thậm chí cho tôi ăn nếu tôi phải nhập viện”, anh lạc quan. Nhưng đói thì khác: Bạn không thể bị cách ly vì gia đình không có gì để ăn. Mọi người sẽ chỉ nhìn bạn chết vì đói”.