Định vị gạo Việt

Thanh Giang 30/12/2016 06:59

Sau một thời gian dài dành vị trí nhất nhì bảng về nước xuất khẩu gạo nổi tiếng thế giới với sản lượng lớn, hiện gạo Việt Nam đang bị tụt hạng.

Định vị gạo Việt

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân chủ yếu, mặc dù nổi trội về sản lượng xuất khẩu lớn song gạo Việt lại bị yếu thế về chất lượng.

Theo TS Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, đa phần sản phẩm gạo Việt là sự thiếu đồng đều về chất lượng và phân loại theo tỷ lệ tấm. Gạo Việt Nam chỉ có lợi thế trên phân khúc thị trường gạo trắng, hạt dài, cho nên khả năng tiếp cận và cạnh tranh ở các thị trường khó tính hoàn toàn không đơn giản.

Đặc biệt, gạo Việt đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với gạo thơm của Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…

Nói về xây dựng gạo chất lượng, có thương hiệu, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty Trung An khẳng định, bài toán về chất lượng gạo xuất khẩu còn dang dở, thương hiệu gạo thì cứ mờ nhạt.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: Thị trường xuất khẩu gạo đang cạnh tranh gay gắt, nguồn cung đang dư dôi nếu không cải tạo chất lượng đáng đồng tiền bỏ ra thì sao bán được gạo.

Băn khoăn về chất lượng gạo các chuyên gia chuyên về nông nghiệp khẳng định, nhược điểm là Việt Nam luôn chăm chăm vào số lượng mà quên chất lượng.

Cụ thể, sản lượng lúa tăng từ 16 triệu tấn lên 45 triệu tấn, năng suất từ 2,8 tấn/ha lên 5,6 tấn/ha (mức năng suất cao nhất các nước Đông Nam Á). Việt Nam chú ý đến sản lượng, bỏ quên chất lượng, trong khi các nước khác đang chú trọng đến chất lượng giúp định vị sản phẩm của họ trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự xuất hiện khá nhiều nhà xuất khẩu gạo tên tuổi đang tạo ra một sân chơi khá gay gắt trên thị trường.

Giải pháp căn cơ nhất hiện nay, bằng mọi giá phải hình thành và phát triển cho được thương hiệu gạo Việt. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là khâu chọn giống lúa.

Ông Lưu Hồng Mẫn – Phó Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, muốn chuyển sang phân khúc thị trường giá trị cao cần có các giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao theo thị hiếu từng thị trường (hạt dài hoặc hạt tròn).

Trong ngắn hạn cần xác định, chọn lọc giống lúa thơm và giống lúa chất lượng cao hiện có ở Đồng bằng sông Cửu Long để chọn thuần, nhân giống lúa.

Về dài hạn, cần đầu tư mạnh công tác nghiên cứu chọn giống lúa thơm, lúa chất lượng cao để hoàn thiện bộ giống lúa sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao mang thương hiệu quốc gia.

“Phải chú trọng đến giống lúa vì giống lúa ngon sẽ quyết định đến giá trị. Làm sao đó để giá trị nhân với sản lượng đạt doanh thu cao. Nói chung là ném hạt giống nào xuống đất là cả một câu chuyện, sản xuất theo hướng hữu cơ hay vô cơ, trữ thóc hay trữ gạo như thế nào cần có kế hoạch cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Công thương định hướng xây dựng chất lượng và phát triển thương hiệu hạt gạo.

Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

Tiếp theo là xây dựng thương hiệu gạo cho từng vùng gắn với chỉ dẫn địa lý, sau đó mới hướng đến thương hiệu quốc gia cho lúa gạo Việt.

Trái ngược với quan điểm xây dựng thương hiệu gạo của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh yêu cầu: “Hơn lúc nào hết gạo Việt phải xây dựng cho được thương hiệu quốc gia.

Không doanh nghiệp nào có thể xây dựng thương hiệu khi cả nước không có hình ảnh. Gạo Việt Nam rẻ, chất lượng tầm tầm thì sao xây dựng nổi hình ảnh quốc gia. Muốn xây dựng hình ảnh gạo quốc gia phải thay đổi từ khâu sản xuất, tuyên truyền về quy trình sản xuất”.

Theo ông Trần Quốc Khánh, nên siết chặt quản lý tránh tình trạng không đạt chất lượng cũng cho xuất, điều này vô hình trung làm ảnh hưởng chất lượng gạo Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định vị gạo Việt