Định vị lại

Lê Nhi 26/10/2015 09:10

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tới quý I -2016, nhiều chuyên gia cho rằng xuất khẩu gạo sẽ có những tín hiệu tích cực, thậm chí còn có những sức ép về nguồn cung để phục vụ đủ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, đó lại là những dự báo tương lai, còn hiện tại số phận hạt gạo Việt vẫn quá bấp bênh.

Ảnh minh họa.

Trước thực tế này, Bộ NN & PTNT đang triển khai 5 dự án trọng điểm với tổng kinh phí khoảng 171 tỉ đồng nhằm thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2015. Đây được xem là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành lúa gạo nội địa về sản phẩm, thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả cho sản phẩm gạo.

Hiện nay Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp với quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế.

Thực tế mặc dù Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu gạo nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo mang tầm quốc gia. Trong khi đó, hai quốc gia còn lại là Thái Lan, Ấn Độ, đã có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia từ nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Thái Lan đã tập trung vào sản xuất một số giống nhất định nhưng đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào để ổn định lâu dài. Phần lớn các giống lúa của Việt Nam chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn rồi bị thoái hóa.

Trong bối cảnh trên thị trường quốc tế, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài đối thủ truyền thống, Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng như Campuchia, Myanmar và Mỹ. Chính vì vậy áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm.Việt Nam không nên tập trung cho số lượng nữa mà chuyển dần sang cho chất lượng để có thể tiến tới các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản vì những thị trường này đòi hỏi gạo phải có chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Nếu chỉ tập trung vào thị trường dễ tính sẽ khiến mặt hàng lúa gạo Việt Nam tự suy giảm các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất và xuất khẩu. Sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng giảm thấp. Khi FTA giữa Việt Nam với EU, TPP… được thực thi, ngành lúa gạo Việt Nam cũng sẽ không có động lực thay đổi về chất lượng để có thể lấy được các lợi thế.

Do đó, việc định vị lại ngành lúa gạo có thể khiến sản lượng gạo sụt giảm lớn, nhưng sẽ mang lại giá trị gia tăng và thương hiệu cho ngành này trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Định vị lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO