Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thông qua Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam đã được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực.
Điểm đến được chọn lựa
Đến nay, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam, như: Vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam)… Bên cạnh đó, các giá trị nghệ thuật cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Áo dài”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, Múa rối nước... Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Thời gian qua du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bình chọn và giải thưởng quốc tế. Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á “và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á”. Năm 2022, Việt Nam đã được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Có thể thấy tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch và văn hóa ngày càng có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Từ du lịch và thông qua du lịch, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã được quy hoạch, tu bổ, bảo quản, khôi phục bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nhiều làng nghề truyền thống được phục hồi. Ngược lại, nhờ vào nền tảng văn hóa, các di sản, di tích, lễ hội… hoạt động du lịch ngày càng hấp dẫn du khách.
Cân bằng lợi ích
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, khó khăn rất lớn là việc đảm bảo sự hài hòa giữa “khai thác” và “bảo tồn” tài nguyên du lịch văn hóa. Bên cạnh những lợi ích mang lại, du lịch cũng gây ra một số tác động tiêu cực như xu hướng thương mại hóa, sân khấu hóa đối với một số lễ hội; vấn đề quá tải du lịch tại một số điểm du lịch trong một vài thời điểm đã tác động đến môi trường sinh thái, di tích, nếp sống văn hóa của người dân địa phương nơi có tài nguyên du lịch… Nhiều chính sách, dự án, phong trào xây dựng, khai thác các nguồn lực văn hoá cho phát triển du lịch còn kém hiệu quả. Điển hình như các mô hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng mở ra ở nhiều địa phương, tuy nhiên, những mô hình này chưa được nghiên cứu phù hợp, chưa coi trọng mục tiêu phát triển văn hoá và sinh kế cho cư dân bản địa mà chỉ nhằm khai thác vốn văn hoá của họ; chia sẻ lợi ích chưa công bằng. Vì vậy, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng ở nhiều nơi chưa nhận được sự hợp tác của người dân địa phương.
Còn dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Travelogy Vũ Văn Tuyên cho rằng hiện nay nhân lực cho ngành du lịch văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, việc gia tăng lượng khách du lịch văn hóa là đáng mừng, nhưng nguồn nhân lực của ngành du lịch văn hóa chưa đủ để đáp ứng với yêu cầu phát triển. Bởi vì số lượng nhân viên du lịch còn thiếu; đội ngũ nhân viên du lịch đang công tác còn yếu về chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ kéo giảm chất lượng du lịch, khiến cho nhiều khách du lịch chưa cảm thấy hài lòng.
“Những chương trình nghệ thuật “hỗn hợp” bình bình, những sản phẩm lưu niệm quá giống nhau ở các điểm du lịch, hiếm có những tour trải nghiệm đặc sắc... là điểm yếu của du lịch văn hóa Việt Nam” - ông Tuyên nhìn nhận.
Thực tế cho thấy, để tạo chất keo gắn kết du lịch và văn hóa rất cần một sự thay đổi đồng bộ ở từ hai phía. Ở đó, cần lựa chọn hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch văn hóa sao cho phù hợp để có hiệu quả nhất. Muốn phát triển du lịch văn hóa trước hết cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa. Bên cạnh đó, định hình và xây dựng được thương hiệu của mỗi địa phương, của quốc gia dựa trên các nền tảng văn hóa vốn có nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, của khách du lịch trong và ngoài nước từ đó thu lại được thành quả và lợi ích về kinh tế - văn hóa - xã hội… Du lịch và văn hóa chỉ có thể phát triển bền vững khi có được những chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình dẫn dắt phù hợp.
Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) Bùi Thanh Thủy cho rằng, để phát triển văn hoá trong giai đoạn sắp tới cần tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm di sản văn hoá cho khu vực các thành phố, đô thị du lịch để hình thành rõ nét hệ thống sản phẩm du lịch văn hoá đủ lớn về quy mô, mạnh về chất lượng dịch vụ và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh về các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với tìm hiểu cuộc sống, văn hoá truyền thống, tìm hiểu ẩm thực, làng nghề, lễ hội, di sản nghệ thuật. Chú trọng vào các trải nghiệm, tính đa dạng và phong phú của các giá trị văn hóa; tính đặc trưng, riêng biệt của từng loại di sản gắn với từng khu vực, địa phương để hình thành từng sản phẩm có tính hấp dẫn cao cho các điểm đến.