Do đâu dự án 250 tỷ đồng dang dở - Bài 2: Vì sao cầu Tây An 1, Tây An 2 phơi nắng, phơi sương?

Tấn Thành - Chí Đại 19/05/2023 08:00

Trong dự án đường tránh lũ của huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam có 2 cây cầu Tây An 1 và Tây An 2 đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục nhưng 2 năm qua phơi sương, phơi nắng chưa thể đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là chưa có đường dẫn và những lý do quan chức đưa ra khiến người dân khó có thể chấp nhận.

Theo báo cáo của UBND huyện Duy Xuyên, dự án đường tránh lũ này có tổng chiều dài hơn 4km, trong đó có cầu Tây An 1 gồm 9 nhịp dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dài 33m, chiều dài toàn cầu 306,6m, còn cầu Tây An 2 gồm 2 nhịp dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dài 33m, chiều dài toàn cầu 77,75m, dự án do Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện đại diện UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu gần 250 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 168 tỷ đồng, ngân sách huyện bố trí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư phần còn lại của dự án. Đơn vị thi công xây dựng dự án là liên danh Công ty Thanh Tùng - Minh Khang - Thái Dương ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Đường dẫn lên cầu Tây An 1 vẫn chưa được đắp đất nền.

Dự án được khởi công ngày 20/4/2020, đến ngày 4/4/2023 phải hoàng thành. Thế nhưng hiện nay bước qua năm thứ 4, tổng giá trị khối lượng mới chỉ thực hiện đạt khoảng 55% theo hợp đồng thi công xây dựng. Trước tình thế hiện tại, UBND huyện Duy Xuyên phải gia hạn cho đơn vị thi công đến ngày 31/12/2023 để hoàn thành công trình.

Ông Lê Đình Thu, ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên cho rằng, 2 cây cầu Tây An 1 và Tây An 2 bắt qua sông Cầu Chìm và nối thị trấn Nam Phước với xã Duy Trung 2 năm qua vẫn chưa được hoàn thiện đường dẫn lên cầu. Việc này khiến người dân địa phương rất bức xúc vì gây ra lãng phí ngân sách Nhà nước và làm chậm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, không đáp ứng kịp thời kỳ vọng về đường tránh lũ và giải pháp giao thông.

Cầu Tây An 2 bắc qua sông chưa đưa vào hoạt động.

“Thật ngạc nhiên khi 2 cây cầu cơ bản làm xong nhưng họ nói không có đất để đắp làm đường dẫn lên cầu nên đành để đó. Tại sao lại xảy ra tình cảnh này? Gây rất lãng phí, ai chịu trách nhiệm? Do đó mong các cấp chính quyền quan tâm hối thúc đơn vị thi công sớm hoàn thiện đường dẫn để đưa cây cầu đi vào hoạt động”, ông Lê Đình Thu nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thành ở xã Duy Trung cho rằng, bà và một số người dân làm ruộng ở khu vực nơi có 2 cây cầu này thấy đơn vị thi công chở máy móc đến nhưng không thấy làm gì. Cứ thế, một thời gian sau thì họ lại vận chuyển máy móc đi. Việc chậm thi công làm đường dẫn lên cầu nên mỗi khi vào mùa mưa, nước lũ cuốn trôi đất sét xuống ruộng lúa của bà con gây bồi lấp hoa màu và kênh mương dẫn nước.

Đường dẫn lên cầu Tây An 2 chưa được triển khai.

“Tại các buổi tiếp xúc cử tri, họp thôn, người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương, vì sao 2 cây cầu tiền tỷ cơ bản làm xong mà vẫn chưa thể đưa vào sử dụng thì lãnh đạo địa phương giải thích, nguyên nhân là do chưa có đất đắp các bên mố cầu và đường dẫn. Họ nói lạ quá, vì dự án tiền tỷ sao không tính đến việc này trước khi khởi công? Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo địa phương sớm tìm ra giải pháp, sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 cây cầu để người dân đi lại”, bà Thành chia sẻ.

Ngày 14/5, ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại 2 cầu Tây An 1 và Tây An 2 thì các hạng mục chính như: nhịp cầu, lan can, nền cầu;… đã cơ bản hoàn thành. Trong đó cầu Tây An 1 đất đường dân chỉ đổ 1 bên còn một bên thành bờ vực dở dang. Còn cầu Tây An 2, hệ thống lan can bảo vệ đã lắp đặt hoàn chỉnh, nhưng đường dẫn lên cầu cũng chưa xong, đất đá nham nhở, cỏ cây bụi rậm um tùm. Còn dưới chân cầu hàng loạt tấm bê tông chất đống nằm la liệt, các thanh sắt, thép gỉ sét và không có một công nhân hay thiết bị máy móc nào phục vụ thi công dự án này. Không chỉ 2 cây cầu mà dọc tuyến đường này nhiều đoạn chưa được GPMB, chưa được thi công, đường đất bụi bặm mù mịt, lồi lõm, đất đá nằm ven đường chẳng biết đến khi nào tuyến đường này mới hoàn chỉnh.

Đường dẫn lên cầu Tây An 2 bị rào chắn

Ông Văn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết: “Việc chậm triển khai dự án đường tránh lũ, đoạn qua địa phương, nguyên nhân là do thiếu đất đắp nền đường. Tôi được biết, UBND huyện Duy Xuyên kiến nghị nhiều lần với UBND tỉnh Quảng Nam để xin ý kiến chỉ đạo. Và địa phương đang chuẩn bị mỏ đất ở xã Duy Trung để làm các thủ tục đưa vào khai thác phục vụ làm đường tránh lũ và đắp nền đường dẫn lên 2 cây cầu nói trên”.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: “Công trình khởi công vào năm 2020 và đến nay đã gần hết thời hạn thi công theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng ký kết nhưng các hạng mục trên toàn tuyến cũng như các công trình trên tuyến chỉ mới triển khai thi công hoàn thành cơ bản khối lượng, cầu Tây An 1 và Tây An 2 đã hoàn thành 1 phần khối lượng đất nền, 1 số cống thoát nước trên tuyến. Còn lại phần lớn chưa được thực hiện, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguyên liệu đất, cát để phục vụ đắp nền đường, xử lý nền đất yếu của công trình”.

Ông Lê Đình Thu chỉ cầu Tây An 1 không có đường dẫn.

Báo cáo của UBND huyện cũng cho rằng: “Các hạng mục chưa thể triển khai thi công xây dựng theo hợp đồng chủ yếu là đất đắp nền đường khan hiếm. Do từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện nói chung và cả tỉnh nói riêng tình hình khan hiếm đất đắp nền đường (loại đất theo tiêu chuẩn K95, K98) đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án”.

Trước tình cảnh này, ông Nguyễn Thế Đức cho biết, đã đưa ra yêu cầu: “Liên danh các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường tránh lũ. Thi công dứt điểm nền, mặt đường công trình trên tuyến từ cầu Tây An 1 đến cuối tuyến; tiếp tục thực hiện các hạng mục có thể thi công trên toàn tuyến. Về nguồn nguyên liệu đất phục vụ xây dựng công trình đề nghị nhà thầu khẩn trương chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Duy Trung để trình UBND tỉnh cấp phép theo đúng quy định”.

Ngoài ra, Ban quản lý Dự án - quỹ đất huyện tham mưu UBND huyện theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị thi công cam kết triển khai thi công các công trình đảm bảo theo tiến độ hợp đồng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ GPMB và tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định.

Câu hỏi đặt ra, tại sao trước khi xây đường tránh lũ, xây cầu hàng trăm tỷ đồng, các đơn vị liên quan không tính đến những tình huống này, hay do những nguyên nhân khác? Vậy trách nhiệm liên quan đến dự án quan trọng này thuộc về ai và sẽ được xử lý ra sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Do đâu dự án 250 tỷ đồng dang dở - Bài 2: Vì sao cầu Tây An 1, Tây An 2 phơi nắng, phơi sương?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO