Xã hội

Đỏ mắt chờ mùa nước nổi

Đoàn Xá 27/07/2025 13:43

Mặc dù mùa mưa ở Nam bộ đã bắt đầu từ hàng tháng nay nhưng dòng nước nổi ở thượng nguồn sông Mê Kông tại khu vực biên giới Tây Ninh, Đồng Tháp chưa tràn đồng như những năm trước. Nhiều người dân mưu sinh dựa vào mùa nước đang “đỏ mắt” ngóng chờ sản vật quen thuộc như cá tôm, ốc ếch, rắn, chuột… bởi chúng ngày càng khan hiếm hơn.

Ảnh 1-Đỏ mắt chờ mùa nước nổi
Nông dân thả lưới mùa lũ về.

Mong chờ “mùa lũ đẹp”

Mỗi năm xuất hiện một lần, mùa nước nổi (mùa lũ) ở khu vực miền Tây Nam bộ luôn được người dân rất mong chờ vì đem theo nhiều sản vật thuỷ sản ở thượng nguồn. Tuy nhiên, năm nay dự báo nước về ít và sản vật cũng ít hơn. Với nhiều người dân ở khu vực thượng nguồn biên giới, lũ lên cao, tràn ngập các cánh đồng thì sẽ có nhiều sản vật, được gọi là “lũ đẹp”. Ngoài sản vật, lũ đẹp còn làm sạch ruộng đồng sau một năm dài và mang tới nhiều phù sa. Lũ ở đây có đặc điểm trái ngược với nhiều khu vực khác ngoài miền Trung, miền Bắc do đặc thù riêng, phụ thuộc hoàn toàn vào dòng chảy sông Mê Kông. Tuy nhiên năm 2025 này, nhiều người dân cho biết lũ có thể sẽ không cao, khiến việc mưu sinh gặp khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Tùng, 44 tuổi - ở xã Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, năm nay nước lên chậm và ít hơn 2 năm trước, khiến cho tôm cá cũng ít hơn. “Mùa lũ bây giờ khó đoán lắm. Có năm nước cao, có năm nước thấp như hiện nay vậy. Nước thấp thì sản vật cũng ít đi. Xưa nước về là nhiều loại cá về theo nhưng nay không còn nữa.

“Ở đây thì mình đánh bắt quanh năm trên sông kênh nhưng lũ về thì cả ruộng đồng cũng nhiều tôm cá. Chủ yếu là cá linh, cá chốt, cá rô, cá lóc, mè vinh… Trước kia mấy cánh đồng bên Sa Rài, Tân Công Chí có nhiều cá linh lắm nhưng nay thì hiếm. Bởi đồng chưa gặt hết nên chưa cho nước vô nên mình chuyển sang bên phía Tân Hộ Cơ, Thông Bình. Tôi có mấy người bạn ghe ở dưới Cai Lậy cứ gọi điện hỏi nước về chưa để họ lên. Mấy năm trước lũ cao, bạn ghe ở dưới đó lên thượng nguồn này nhiều lắm. Năm nay thì ít rồi” - anh Tùng chia sẻ.

Từng nhiều năm gắn bó với đồng nước vùng biên giới, anh Tùng cho biết nguồn cá tự nhiên ở sông Mê Kông nhìn chung cũng bị suy giảm nhiều so với khoảng hơn chục năm trước. Những nơi từng được coi là “túi cá” của dòng sông rộng lớn này cũng suy giảm nguồn lợi nhiều, khiến cho nguồn lợi thuỷ sản dưới hạ lưu cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mùa nước nổi ở thượng nguồn biên giới thường kéo dài khoảng 3 tháng. Đó không chỉ là nhịp thay đổi của tự nhiên mà còn là mùa đánh bắt thuỷ sản quan trọng của hàng trăm cư dân. Dù có sự thay đổi những năm gần đây nhưng, nhiều người dân, chủ yếu là dân nghèo vẫn coi mùa nước nổi là sinh kế quan trọng. Ngoài các loại thuỷ sản, những loại bông (hoa) như sen, súng, điên điển, so đũa… cũng nở rộ theo mùa nước, mang tới thêm thu nhập cho người dân. Đó là lý do khiến mùa nước luôn rất được mong chờ. Thậm chí nhiều khu du lịch, “tua” tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi ở các địa phương như Tây Ninh, Đồng Tháp… gần đây cũng rất hút khách, mang tới nguồn thu đáng kể bởi đặc thù ngày càng khan hiếm của hiện tượng tự nhiên này.

Ảnh 2-Đỏ mắt chờ mùa nước nổi
Sản vật mùa nước nổi.

Chắt chiu những sản vật

Biên giới mùa mưa, trời đất như rộng ra. Từ đường Quốc lộ 62 chạy qua các xã Mộc Hoá, Bình Hiệp, Tuyên Thạnh (tỉnh Tây Ninh) cho tới đường tỉnh lộ nối từ Tây Ninh sang Đồng Tháp, nước đã nhiều hơn. Dù chưa tràn đồng nhưng đã mênh mông một màu đỏ đục đặc trưng đầu mùa. Những dòng sông lớn như sông Tiền, Vàm Cỏ Tây, Sở Thượng hay kênh Trung Ương… đều rộng hơn bình thường, phù sa cuồn cuộn. Chị Nguyễn Thị Liên, 46 tuổi, chủ một vựa thu mua thuỷ sản ở xã Vĩnh Hưng (tỉnh Tây Ninh) cho biết gia đình làm nghề thu mua thuỷ sản đã nhiều năm.

“Tôi chủ yếu thu mua rắn, cá lóc, cá trắng… rồi gửi xe tải lên TPHCM cho bạn hàng thôi. Buổi sáng ở đây ghe của nông dân về nhiều lắm. Họ đổ dớn, đặt lọp trong đồng rồi theo kênh T7, kênh Lò Gạch về đây bán cho mình. Mùa này cái gì cũng có cả. Cá linh mỗi ngày cũng có chừng ba chục kg. Cá linh non thì giá hơn hai trăm ngàn chút đỉnh, nếu linh lớn hơn thì chỉ trăm rưỡi thôi. Giờ đang đầu mùa nên cũng mắc, tháng sau thì cá bự hơn nhưng sẽ rẻ hơn” - chị Liên cho biết.

Đứng cạnh đó là anh Đặng Văn Hiệu (48 tuổi), chồng của chị Liên. Anh Hiệu quê ở tỉnh Nam Định cũ nhưng sinh sống ở đây nhiều năm. Những ngày mùa nước, anh cũng thường xuyên chạy ghe đi lấy hàng phụ giúp vợ bởi có nhiều nông dân đánh bắt trong đồng nhưng vài ngày mới ra đây đổ hàng. Vì muốn có hàng cho khách nên anh phải chạy ghe lấy cho kịp. Mỗi ngày anh chị đóng 5-6 thùng xốp lớn gửi lên cho bạn hàng ở chợ Bình Điền (TPHCM). Xe tải thường chạy lúc chiều tối, tới nửa đêm lên tới TPHCM rồi quay về, để ngày hôm sau tiếp tục vòng lặp như vậy. Chia sẻ thêm cùng chúng tôi, anh Hiệu cho biết mùa này cá nhiều nên công việc thuận lợi. Những tháng mùa khô, anh phải liên hệ để mua cá đồng từ bên Campuchia về gửi cho bạn hàng. “Tôi bỏ mối nhiều năm và luôn giữ uy tín. Mình chỉ có gửi đồ đồng cho bạn hàng mà thôi, không bao giờ gửi đồ nuôi. Có nhiều loại nuôi cũng ngon nhưng khách hàng yêu cầu đồ đồng tự nhiên thì mình gửi đúng đồ đồng tự nhiên thôi” - anh Hiệu nói.

Ảnh 3-Đỏ mắt chờ mùa nước nổi
Những khu thu mua sản vật mùa nước nổi.

Đang trò chuyện cùng vợ chồng anh Hiệu thì có 2 chiếc ghe chạy vào để xuống hàng. Theo quan sát của chúng tôi, cả 2 chiếc ghe đều chở theo 3-4 chiếc can nhựa nhỏ. Mỗi can nhựa là một loại cá khác nhau mà khi tháo lưới được, họ đã cẩn thận lọc ra để thuận lợi cho việc cân, định giá. Chiếc can nhựa đầu tiên là cá chốt. Mùa này cá chốt nhiều nhưng giá thấp, chỉ từ 45-60 ngàn đồng mỗi kg. Cá chốt phải tầm tháng 10, tức cuối mùa nước thì giá sẽ cao do có nhiều trứng. Ngoài cá chốt, các can nhựa còn có cá mè vinh, cá lăng. Nhìn những can nhựa đổ ra, anh Hiệu bảo đó là ghe làm nghề lưới thả. Những ghe này thường đánh bắt được các loại cá trắng sinh sống trên tầng nước mặt. Những ghe đánh bắt được cá màu đen sinh sống tầng đáy thường là làm nghề đổ dớn, đổ lọp… Ngoài những can nhựa đầy cá, chúng tôi còn thấy cả mấy con chim bìm bịp và rắn nước béo nung núc. Những loại này đều được để riêng từng loại, tính tiền riêng. Một người dân cho biết năm nay sản vật ít nhưng bù lại giá cao hơn.

“Tôi ở trong đồng suốt cả ngày. Ngoài cá và rắn nước thì còn bông điên điển và so đũa nữa. Bông thì tôi cập sang bên vựa phía gần cầu sắt họ thu mua. Mùa này nếu biết chắt chiu, mỗi ngày cũng kiếm được năm, sáu trăm ngàn đồng, trừ tiền dầu cũng dư bốn, năm trăm ngàn. Đây là một khoản tiền khá lớn với mình rồi. Nhưng mùa nước chỉ kéo dài mấy tháng thôi. Hết mùa nước thì đánh bắt khó khăn” - người này cho biết rồi nổ ghe máy, quay đầu chạy đi.

Ghi nhận của chúng tôi, dọc theo kênh T7, tuyến kênh lớn ở khu vực này có nhiều điểm thu mua sản vật mùa nước nổi rồi gửi về các đô thị. Những ghe nhỏ của người dân từ trong đồng chạy ra, đổ hàng, nhận tiền rồi quay lại đồng nước. Nhịp sống quen thuộc của mùa nước nổi này cũng chính là một “đặc sản” vùng thượng nguồn biên giới mà nếu tình cờ đi tới thời gian khác trong năm, người ta sẽ không bao giờ bắt gặp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đỏ mắt chờ mùa nước nổi