Năm 2021 khởi đầu bằngviệc hai Nghị quyết quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang và TP Thủ Đức thuộc TP HCM, kể từ ngày 1/1/2021, mở ra nhiều kỳ vọng.
1. Những ngày cuối năm Canh Tý 2020, với người dân tại 3 quận phía Đông của TP HCM thật nhiều cảm xúc khi trở thành công dân của thành phố mới mang tên Thủ Đức.
Ông Phan Thành Phương, 37 tuổi chủ quán cà phê trên đường 53 phường Bình Trưng Đông, quận 2 nói với chúng tôi về việc gia đình ông đang làm thủ tục sang tên nhà ở mới mua. Theo hướng dẫn của phòng công chứng Thủ Đức, vợ chồng ông đến Ủy ban phường để nộp thuế phi nông nghiệp, tổng cộng mất 7 ngày làm việc chờ đợi. Sau đó, cán bộ hướng dẫn thủ tục hồ sơ ở quận, đợi thêm 15 ngày để nhận được thông báo đóng thuế.
Như vậy là chậm, ông Phương cho biết.
Còn ông bà Trần Văn Hưởng, sống tại căn hộ Petroland (Q.2) hay tin thành lập thành phố mới vừa khấp khởi vui mừng nhưng cũng không ít những tâm tư do gia đình con trai chuẩn bị chuyển nhà từ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương về sinh sống cùng với ông bà. “Ban Quản trị có hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị các thủ tục để nhập khẩu, cắt khẩu, nếu bình thường mất khoảng hơn một tháng nhưng không biết chính quyền đô thị mới đang ngổn ngang nhiều công việc, liệu hồ sơ của người dân có bị đình trệ hay không?”
Cùng tâm trạng trên, anh Hồ Thanh Quyết (quê An Giang), đang tạm trú tại phường Bình Trưng Tây (Q.2) cũng lo lắng về chỗ học cho con cái. Anh Quyết cho biết, nếu đúng tuyến thì con anh học ở trường Giồng Ông Tố, là trường chuẩn quốc gia. Thế nhưng, nếu sắp xếp lại địa giới hành chính, có thể con gái lớn phải đi học tại trường tiểu học Bình Trưng ở xa nơi ở của gia đình hiện nay
Tại khu đô thị mới, bà Phan Thị Hoàng, ở khu căn hộ Moonight Residences (quận Thủ Đức cũ) thì dành nhiều thời gian để tìm hiểu, theo dõi tin tức về quá trình thành lập TP Thủ Đức. Là cán bộ hưu trí, bà Hoàng tin tưởng “công dân của TP mới Thủ Đức” sẽ rất phấn khởi nhưng còn các thủ tục hành chính trong quá trình chuyển đổi thì lại là vấn đề…
Đó là những tâm trạng, những băn khoăn rất thật khi bước vào một hệ thống tổ chức mới. Biết là tốt đẹp nhưng trước mắt không hẳn mọi sự đều êm xuôi.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy Quận 9 (trước thời điểm thành lập TPThủ Đức), vấn đề người dân quan tâm lo lắng nhất hiện nay là giải quyết giấy tờ thế nào khi xây dựng thành phố mới. Do đó, thành phố cần có kế hoạch và tổ chức một bộ phận cụ thể công bố thông tin rộng rãi cũng như hướng dẫn thủ tục chuyển đổi để người dân an tâm.
Còn theo ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Quận 9, những ngày qua lượng hồ sơ hành chính trên địa bàn quận đã tăng đột biến. Lý do là nhiều người dân, doanh nghiệp lo lắng quá trình thành lập bộ máy chính quyền mới phải mất nhiều thời gian chuyển tiếp nên sẽ chậm xử lý hồ sơ. Dù vậy, ông Bảy cho biết chính quyền quận đã sớm yêu cầu cán bộ, công chức tập trung làm ngoài giờ để giải quyết tất cả các hồ sơ còn tồn đọng. Không vì quá trình chuyển tiếp mà làm ảnh hưởng đến nhu cầu của công dân.
2.Phú Quốc ngày nay có vị trí địa kinh tế hết sức quan trọng không chỉ đối với tỉnh Kiên Giang, mà còn nằm trong chiến lược về phát triển kinh tế biển của cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, vai trò địa kinh tế của Phú Quốc rất quan trọng trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với các nước Campuchia và Thái Lan.
Hòn đảo ngọc Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước còn được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn tương đối nguyên sơ. Hiện nay tỉnh Kiên Giang đang khai thác các ngư trường giàu tiềm năng, trong đó có một vùng nước biển sâu ở Phú Quốc, được kỳ vọng sẽ giúp địa phương phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển trong tương lai.
Chia sẻ với chúng tôi về những kỳ vọng của năm 2021 trên thành phố đảo Phú Quốc, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, trong các dịp thăm quan và nghiên cứu, phản biện các chính sách kinh tế biển ở Kiên Giang, ông đều có các kiến nghị với ban tổ chức địa phương ở khía cạnh nghiên cứu tiềm năng hết sức to lớn của vùng biển Phú Quốc.
Theo chuyên gia này, không phải bàn cãi về nguồn nội lực to lớn về tài nguyên của thành phố đảo Phú Quốc nhưng để khai thác hiệu quả tiềm năng của thành phố này không phải là công việc ngày một ngày hai. Phú Quốc đã có quy hoạch đến năm 2020 nhưng sau 15 năm cần phải có một bước ngoặt mới về quy hoạch khi tốc độ tăng trưởng của Phú Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể nền kinh tế của Kiên Giang. Trong năm qua, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Phú Quốc (cũ) đã thu hút được 320 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên đến trên 340 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, KTS Nguyễn Văn Biểu, một chuyên gia rất quan tâm đến sự phát triển của Phú Quốc trong nhiều năm qua bày tỏ kỳ vọng các cơ chế để thành phố đảo Phú Quốc tận dụng các nguồn lực bứt phá trong các lĩnh vực kinh tế biển, du lịch biển và dịch vụ. Chỉ trong năm 2019, ước tính Phú Quốc đã đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại đây, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị cũng được đầu tư mạnh mẽ ở quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ trong những năm gần đây, cho thấy đã vượt khỏi quy mô phát triển của một đô thị loại II (đã được công nhận từ 2014)”, chuyên gia này phân tích.
Từ các cơ sở phát triển kể trên, tương lai để phát triển TP Phú Quốc theo mô hình chính quyền đô thị mới có nhiều dư địa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đô thị cũng khuyến nghị về một giải pháp phát triển cân bằng giữa bảo vệ hệ sinh thái biển, tài nguyên biển đảo cùng với quá trình đô thị hóa cao hơn.