Tại Hội thảo “Công tác quản lý an toàn thực phẩm nước uống đóng bình” trên địa bàn TP. Hà Nội do Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức, đại diện Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Hà Nội cho hay, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm.
Khó kiểm soát
Cụ thể, theo ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 416 cơ sở được thanh, kiểm tra trên toàn địa bàn TP. Qua đó, có 44 cơ sở dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị dừng hoạt động. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn... Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, Phòng Công tác thanh tra của Chi cục đã tiếp nhận và giải quyết 3 vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.
Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội đánh giá, công tác thanh, kiểm tra có nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện. Hoặc khi cơ sở thôi không hoạt động nữa không có báo về phía cơ quan quản lý hoặc cơ sở trong quá trình sản xuất thử cũng không có báo cáo. Do đó, ông Tụ đề nghị các phòng y tế địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở trên địa bàn để kịp thời phát hiện cơ sở không đảm bảo... Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, đặc biệt là từ trạm y tế và cấp quận/huyện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tích cực xác minh cũng như khuyến khích người dân, báo chí phản ánh các cơ sở không đảm bảo ATTP
Nguy cơ từ nước uống giá rẻ
Trên thực tế, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình giá rẻ sản xuất “chui” khi chưa được cấp phép, không đảm bảo chất lượng vẫn đang diễn ra. Đặc biệt còn có tình trạng làm “nhái” những nhãn hiệu nổi tiếng khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Ông Nguyễn Tiến Trung- Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì cho biết, có một thực tế đang diễn ra hiện nay là nhiều cơ quan, đơn vị, trường học,... lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình chủ yếu vì giá thành sản phẩm. Do đó, các cơ sở sản xuất buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành.
“Trước tiên là việc sử dụng nước giếng khoan thay cho sử dụng nước máy, hệ thống xử lý nước thô sơ, công nghệ xúc rửa bình đơn giản không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra còn nhiều bất cập do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thủ công rất khó bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm. Đấy là chưa kể nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng; trong khi chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa quyết liệt xử lý vi phạm...”- ông Trung cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh- Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm-Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai từ nước giếng khoan nhưng xung quanh giếng vẫn có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao tù nước đọng, dẫn đến nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước giếng, trong khi công nghệ xử lý nước lại rất sơ sài.
Kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm
Bà Đặng Thị Thanh Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cho rằng, tất cả các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn Hà Nội cần quán triệt đầy đủ nội dung các văn bản quy định điều kiện sản xuất đảm bảo ATTP; 100% người quản lý và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, cần đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Đối với các cơ quan chức năng, cần nâng cao vai trò trách nhiệm, nắm chắc những văn bản này để thực hiện quản lý trên địa bàn và để hướng dẫn các cơ sở thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, báo cáo của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hà Nội cũng như các địa phương cho thấy, thực tế hiện nay nước đóng bình nhìn thì dễ nhưng công tác quản lý hết sức khó khăn. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho người dân, người sản xuất, chủ doanh nghiệp.
Để khắc phục triệt để thực trạng vi phạm trong sản xuất nước uống đóng chai, nước đóng bình,… ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị, thời gian tới ngành y tế, quận/ huyện/ thị xã phải tiếp tục rà soát, kiên quyết yêu cầu đóng cửa các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện hoặc sản xuất chui; tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng bình trên địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.