Ngày 2/11, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn đã đến khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Đồn biên phòng quốc tế Cha Lo (xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình).
Đây là chuyến công tác của Đoàn Bộ Xây dựng từ ngày 1 đến ngày 3/11 nhằm khảo sát các điểm ngập úng, khắc phục hậu quả đồng thời đánh giá mô hình nhà chống lũ tại các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại miền Trung vừa qua.
Trong 1 tháng qua, khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến hàng chục người dân bị vùi lấp trong đất đá. Nghiêm trọng nhất phải kể đến 3 vụ sạt lở diễn ra tại Trà Leng và Trà Vân, Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã khiến nhiều ngôi làng tan hoang, gia đình ly tán, chia lìa; tài sản bị vùi lấp…. Sạt lở đất đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Tiếp tục chuyến công tác khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu quả thiên tai tại miền Trung, Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đến điểm sạt lở đất tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Vụ sạt lở đất tại khu vực đóng quân của Đồn Biên phòng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Ngoài ra, mặt đường toàn bộ QL12A đi qua đồn Cha Lo cũng bị hư hỏng nặng. Đây là tuyến đường độc đạo nối liền cửa khẩu quốc tế Cha Lo về nội địa Việt Nam.
Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết: Trụ sở Đồn biên phòng được khởi công xây dựng mới từ năm 2002. Trước khi xảy ra sạt trượt tại khu vực này, đơn vị đã phát hiện có những dấu hiệu bất thường, do đó, đã kịp thời di chuyển các chiến sỹ, tài liệu, vũ khí trang bị ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi đảm bảo an toàn. Vào khoảng 19h ngày 19/10 thì vụ sạt lở đã xảy ra khiến dãy nhà ở cán bộ, chiến sĩ của đồn và một số khu vực nhà chỉ huy đồn bị sập.
Xác định nguy cơ sụt lún, sạt lở đất tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đe dọa đến tính mạng, tài sản của đồng bào ở bản Cha Lo gần đó nên cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 34 hộ với 127 khẩu của bản Cha Lo về bản Bãi Dinh, Ka Vàng thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa để đảm bảo an toàn.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đi khảo sát sát điểm ngập úng, nhà chống lũ tại huyện Lệ Thuỷ.
Cuối tháng 10 vừa qua, do ảnh hưởng mưa bão khiến các vùng trũng thấp, các khu đô thị ở Quảng Bình, đặc biệt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hóa và TP Đồng Hới bị ngập lụt sâu, trên diện rộng.
Nước lụt tràn về, nhiều tài sản, lương thực bị ngâm trong nước. Nước lên quá cao, người dân phải phá ngói, tháo tôn để lên trên nóc nhà chờ cứu hộ, cứu trợ. Song bên cạnh đó, cũng có không ít người dân vẫn được an toàn do trước đó đã xây nhà chống lũ.
Bà Bùi Thị Toan, xóm 3, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ cho biết: Bà đã tự xây căn nhà chống lũ vào năm ngoái. Nhờ đó nên đợt lũ vừa qua, dù nước lên to, gia đình vẫn được đảm bảo an toàn và giữ được tài sản trong nhà.
Theo ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, với miền Trung, lũ lụt trở đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử tại Quảng Bình xảy ra vào tháng 10 vừa qua là lớn nhất từ trước đến nay. Mô hình nhà vượt lũ có mang lại hiệu quả song theo ông Sơn, mô hình này chỉ phục vụ cho một số cá nhân, gia đình.
Là huyện có nhiều vùng xung yếu, dễ ngập lụt, ông Sơn cho rằng, Lệ Thủy rất cần được hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cộng đồng với quy mô lớn, sức chứa nhiều người. Như vậy việc chạy lũ sẽ đảm bảo an toàn hơn, di chuyển nhanh và thuận tiện hơn.
“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền Trung ương, Bộ ngành quan tâm hỗ trợ bà con ở vùng lũ xung yếu, đảm bảo cuộc sống trong mùa mưa lũ”, ông Sơn nói.
Cũng trong chiều 2/11, Đoàn công tác đã đến khảo sát nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đồng thời, Đoàn làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình, trao tặng ủng hộ UBND tỉnh Quảng Bình số tiền 1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ bà con bị thiệt hại do bão lũ.
Trước đó, ngày 1/11, đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đến thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ, người dân bị ảnh hưởng lũ lụt tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quân khu 4. Tại buổi làm việc, Phó tư lệnh Quân khu 4 Thiếu tướng Hà Thọ Bình cho biết, để triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Tư lệnh Quân khu đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện di dời người dân đến nơi an toàn, cứu trợ khắc phục hậu quả.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra một số điểm ngập úng trên địa bàn xã Châu Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) vùng ngập lụt nặng nhất của huyện. Xã Châu Nhân có hơn 2.317 hộ với 7.700 nhân khẩu. Do mưa lớn trong những ngày qua, mực nước nhiều nơi ngập sâu 1,5 mét, người dân buộc phải di chuyển bằng thuyền, khiến sinh hoạt của bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn còn những hộ gia đình an toàn tự chủ bảo vệ được tính mạng, tài sản trong gia đình nhờ hiệu quả của nhà chống lũ, được xây dựng theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” từ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ. Những ngôi nhà tránh lũ này một lần nữa bảo vệ tính mạng người nghèo và giúp họ có chỗ ở an toàn.
Theo lịch trình, ngày 3/11, Đoàn công tác sẽ tiếp tục kiểm tra hiện trường sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế 337 Quân khu 4- Bộ Quốc Phòng( huyện Hướng Hoá- Quảng Trị). Đoàn công tá sẽ cùng các nhà khoa học khảo sát thực tế để nghiên cứu xây dựng được quy hoạch khu dân cư, quy hoạch về các trụ sở quân sự… để hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.