Covid-19 có thể sẽ suy yếu xuống mức chỉ còn gây nguy hiểm như cúm mùa - đó là nhận định mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu rõ: "Tôi nghĩ thế giới sẽ đi tới điểm mà chúng ta coi Covid-19 giống như cúm mùa. Đó là một mối đe dọa đối với sức khỏe con người, một loại virus có thể tiếp tục gây tử vong, nhưng virus đó không còn gây hỗn loạn xã hội hay hệ thống y tế của chúng ta nữa".
Nới lỏng các biện pháp chống dịch
Nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, tuy nhiên hiện WHO vẫn chưa tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu (PHEIC) dù hầu hết các quốc gia đã nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Trong 3 năm qua, thế giới đã hiểu rõ hơn về Covid-19 cũng như có "vũ khí" cần thiết và những chiến lược phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giúp các nước từng bước trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng vẫn không thể chấm dứt hoàn toàn. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thận trọng khi cho rằng tình hình hiện nay đã khả quan hơn rất nhiều so với 3 năm vừa qua, nhưng số người thiệt mạng vì Covid-19 mỗi tuần vẫn là một con số đáng lo ngại nếu so sánh với các bệnh như cúm mùa.
Ngày 24/3, nhóm nghiên cứu của WHO cho biết, tới nay 90% dân số thế giới đã có sức đề kháng nhất định với Covid-19, thông qua tiêm phòng hoặc từng mắc bệnh trước đó. Tuy nhiên, dù giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã gần kết thúc nhưng thế giới vẫn không thể chủ quan, bởi các lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm, tiêm phòng có thể tạo điều kiện cho biến chủng mới xuất hiện với mức độ nguy hiểm cao hơn Omicron hiện nay.
Hiện có khoảng 500 biến thể phụ khác nhau của Omicron với khả năng lây truyền cao và "lẩn tránh" được hệ miễn dịch đang lưu hành trên toàn cầu. Chính vì thế, theo ông Tedros, "chúng ta gần như có thể nói rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc, nhưng chúng ta vẫn chưa đến đó. Những lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và tiêm chủng đang tiếp tục tạo điều kiện hoàn hảo cho một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện và có thể gây tử vong đáng kể".
Bình luận về cách giải quyết những lỗ hổng toàn cầu trong việc tiêm chủng, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết cơ quan này muốn các chính phủ trên khắp thế giới tập trung vào việc tiếp cận những người có nguy cơ, điển hình như những người trên 60 tuổi và người mắc bệnh tiềm ẩn.
Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho biết cho dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác. Tuy nhiên, ông Ryan cũng cho rằng đây đã là thời điểm thế giới cần tập trung vào việc hồi phục, phát triển kinh tế, đề phòng với những mầm dịch bệnh mới thay vì Covid-19.
Mỹ thúc đẩy việc tuyên bố đại dịch chấm dứt
Trở lại với đại dịch, ngày 11/3/2020, WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch khẩn cấp toàn cầu; vượt lên trên cả các dịch bệnh gây chết người như Ebola ở Congo, Zika năm 2016, và Ebola năm 2014 ở Tây Phi. Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "Đây là đại dịch đầu tiên do virus Corona gây ra. Việc coi sự bùng phát hiện nay của bệnh Covid-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì WHO đang làm và điều các quốc gia cần phải hành động. Chúng tôi dự đoán số ca mắc bệnh mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tăng cao”.
Trước đó, ngày 9/3/2020, Tổng Giám đốc WHO còn cho rằng virus SARS-CoV-2 khi xuất hiện ở nhiều nước cho thấy mối đe dọa dịch bệnh đã trở nên "rất hiển hiện", song ông bày tỏ tin tưởng "đây sẽ là dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử có thể kiểm soát được".
Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng WHO đã chủ quan khi không công bố đại dịch. Ngày 10/3/2020, trước 1 ngày WHO công bố, dịch đã xuất hiện tại 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của 4.389 người trong tổng số 122.289 người mắc bệnh.
Sau khi WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, cuộc đua vaccine lập tức trở nên gay gắt. Việc chuyên chở vaccine đến các quốc gia đã trở thành chiến dịch không vận lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trên phạm vi toàn cầu, tính đến cuối năm 2022, nhân loại đã phải đương đầu với 5 đợt bùng phát dịch với các biến chủng khác nhau. Trong đó, biến chủng Delta được giới chuyên gia y tế coi là “hủy diệt”.
Tại thời điểm này, toàn thế giới có hơn 755 triệu ca nhiễm và hơn 6,8 triệu trường hợp tử vong. Khi dịch đã dịu bớt, WHO vẫn cho biết, từ giữa tháng 9/2022 đến cuối tháng 2/2023, trung bình mỗi tuần trên toàn cầu vẫn có khoảng 10.000-14.000 ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận.
Trong đại dịch Covid-19, Mỹ là quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất, với hơn 1,1 triệu người chết, trong tổng số gần 332 triệu dân. Tuy nhiên, Mỹ cũng là một trong những quốc gia sớm thúc đẩy việc tuyên bố đại dịch chấm dứt. Ngày 31/1/2023, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chấm dứt đại dịch Covid-19, cho dù Nhà Trắng thông báo tình trạng này sẽ kết thúc vào ngày 11/5/2023.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) giải thích rằng việc bãi bỏ ngay lập tức tình trạng khẩn cấp về Covid-19 theo dự luật của Hạ viện cần được cân nhắc thêm, vì “chúng ta đã phải trả giá quá nhiều”.