Chiều 18/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gặp mặt Đoàn đại biểu dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng với nhân dân Bản Hun, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: TTXVN).
Đại Đoàn Kết online xin giới thiệu bài phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại buổi gặp mặt:
Thưa các vị đại biểu,
Tôi rất vui mừng được thay mặt lãnh đạo Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đón, tiếp toàn thể các vị đại biểu về dự lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất năm 2017.
Trước hết, tôi xin chuyển lời thăm hỏi ân cần, tình cảm thân thiết của Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, các vị lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tới toàn thể các vị đại biểu; xin chúc các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc; chúc lễ tuyên dương và các hoạt động trong dịp này tại Thủ đô Hà Nội thành công tốt đẹp.
Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí,
Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, khẳng định và ghi nhận vai trò của người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tôi hoan nghênh sự nỗ lực của Ủy ban Dân tộc, tập thể lãnh đạo và các cơ quan của Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ trong việc lần đầu tổ chức lễ tuyên dương này trong phạm vi toàn quốc. Sự phối hợp của các Bộ, ngành, các địa phương đã minh chứng cho hiệu quả thiết thực của Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về sự chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thưa các vị đại biểu,
Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về dân tộc là: Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta; quan điểm này đã định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam”, trên cơ sở đó Đảng ta đã đề ra những nội dung cơ bản của chính sách dân tộc trong giai đoạn mới của cách mạng là: Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các địa bàn trọng yếu, phát huy tiềm năng lợi thế của vùng dân tộc thiểu số, gắn với kế hoạch phát triển chung của cả nước, đồng thời xây dựng và thực hiện các chính sách về xã hội, trọng tâm là: Tập trung vào các vấn đề giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao tri thức, kỹ năng sản xuất cho đồng bào chuyển hướng sản xuất từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các dân tộc.
Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển văn hóa, trong đó vận động đồng bào giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, phát huy đạo đức lối sống, tinh thần đoàn kết các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện chính sách về y tế, gắn với chăm lo sức khỏe sinh sản, dân số cho đồng bào, hướng về xây dựng tuyến y tế cơ sở, phòng bệnh không để dịch bệnh phát triển; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân.
Xây dựng các chính sách đồng bộ, liên quan đến an ninh, quốc phòng, biên giới.
Chăm lo xóa đói, giảm nghèo, đưa vùng dân tộc thiểu số cùng cả nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Triển khai nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp là Ủy ban Dân tộc đã triển khai nhiều chương trình công tác có hiệu quả, nhất là các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng, điện đường trường trạm, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển y tế, giáo dục, xây dựng các Trường phổ thông dân tộc nội trú đài phát thanh, đài truyền hình có phát bằng tiếng các dân tộc… Nay, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển và thực sự đã có bước chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thành công chung đó có sự lãnh đạo, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và sự cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, không cam chịu đói nghèo, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, mà trong đó có vai trò rất quan trọng là các nòng cốt, các điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, và như vậy chính là tất cả các quý vị có mặt ngày hôm nay, là những người đã được bình chọn từ cơ sở, là những người tiêu biểu cho năng lực, trí tuệ, trách nhiệm, uy tín của những tấm gương sáng về sự cống hiến, đóng góp sức lực, trí tuệ cho phong trào thi đua trong phát triển kinh tế, phát triển khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa; những doanh nhân dân tộc thiểu số đã tạo công ăn việc làm cho đồng bào, cho cộng đồng, có sản phẩm đóng góp làm giàu cho xã hội, cho quê hương, cho gia đình; chính việc làm thiết thực đó của các đại biểu đã đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.
Một lần nữa, tôi xin thay mặt Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận sự đóng góp của quý vị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các quý vị là niềm tự hào chung của tất cả chúng ta trong ngày hội hôm nay và là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Thưa các vị đại biểu,
Lễ tuyên dương trọng thể này tại Hà Nội là nhằm tôn vinh, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tấm gương tiêu biểu, nhưng cũng là dịp để các vị đại biểu được giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, để từ đó chúng ta tiếp tục nhân rộng các tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
Do đó, tôi mong các quý vị đại biểu sẽ trao đổi, cầu thị, khiêm tốn học hỏi lẫn nhau, để mỗi chúng ta, sau mỗi dịp gặp gỡ là dịp tăng cường sự lan tỏa phong trào cách mạng đến với đồng bào, và tin rằng các vị đại biểu tiêu biểu sẽ làm gương mẫu cho đồng bào về lao động sản xuất, học tập, công tác, sự cố gắng vươn lên trong xây dựng quê hương.
Một vấn đề rất quan trọng nữa mà tôi muốn khẳng định, lễ tuyên dương là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tích cực thực hiện tốt đường lối chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Do đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu. Chắc chắn nhiều nội dung sẽ được ghi nhận, cân nhắc một cách có trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách dân tộc và xây dựng pháp luật, cũng như tăng cường công tác giám sát của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhân cuộc gặp mặt quan trọng này, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể các cấp sẽ tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đến các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, để đồng bào sớm thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Tiếp tục phát huy kinh nghiệm xây dựng cốt cán tiêu biểu trong đồng bào, chăm lo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao cho săn sóc cho tất cả đồng bào (như Bác Hồ dặn).
Với tình đoàn kết keo sơn, thương yêu nhau, kính trọng nhau, giúp đỡ nhau, cùng chung quyết tâm góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta. Tôi tin rằng lễ tuyên dương lần này sẽ thành công rất tốt đẹp.
Chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, có nhiều niềm vui trong cuộc sống, sẽ tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ, uy tín nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Chúc thành công!