Sáng 22/6, tại Trung tâm Hội nghị 25B, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (2003 – 2023). Đông đảo lãnh đạo địa phương và các đại biểu đã về dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Trong 20 năm qua (từ 2003-2023), Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư (KDC) đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, thực sự đã trở thành ngày hội toàn dân, là hình thức tập hợp và biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là diễn đàn dân chủ của nhân dân, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, khu dân cư văn hóa, trao tặng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phụng dưỡng người có công, chăm lo gia đình chính sách và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, Ngày hội đã trở thành một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các cộng đồng KDC, trở thành biểu hiện sinh động của của lòng yêu nước, càng thêm gắn bó tình làng, nghĩa xóm, vun đắp tinh thần đoàn kết, yêu nước, nhân nghĩa lan tỏa trên khắp mọi miền của tỉnh ta. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ gặp gỡ, sinh hoạt, tiếp xúc, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp.
Theo báo cáo của UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Qua 20 năm tổ chức, đến nay, toàn tỉnh có 100% KDC tổ chức ngày hội, trong đó, có 95,43% KDC tổ chức phần lễ, 97,08% KDC tổ chức cả phần hội và phần lễ; 78,93% KDC tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”. Khen thưởng, biểu dương 84.678 tập thể, 101.774 gia đình, cá nhân tiêu biểu. Đã có hơn 400 lượt các lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh; hơn 6.000 lượt các lãnh đạo cấp huyện; hơn 67.800 lượt lãnh đạo cấp xã về dự Ngày hội ở các khu dân cư, thể hiện sự quan tâm, gắn bó với nhân dân, qua đó tăng cường củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận xã hội để ổn định và phát triển quê hương, đất nước.
Tại Ngày hội, các phong trào, các cuộc vận động được triển khai thực hiện hiệu quả, trọng tâm, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng, tổ dân phố văn hóa” ngày càng được nâng cao; những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang đã dần được xóa bỏ; các lễ hội được diễn ra theo đúng quy định, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm; 100% KDC rà soát bổ sung quy ước, hương ước...
Thông qua Ngày hội, các hoạt động san sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, gia đình đình công với cách mạng được quan tâm. Khi các địa phương trong nước, trong tỉnh bị thiên tai, nhiều hoạt động tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ được triển khai tích cực, điển hình trong các năm từ 2019 – 2022, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chỉ trong 3 ngày, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã quyên góp được hơn 2.300 tấn hàng gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vượt qua những những ngày gian khó.
Cùng với việc tổ chức tốt Ngày hội, MTTQ các cấp đã vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều việc làm thiết thực hiệu quả như: Huy động nhân dân hàng năm hiến hàng ngàn ha đất để mở rộng đường giao thôn nông thôn, cải tạo cảnh quan, đóng góp hàng triệu ngày công, trên 65.394 tỷ đồng cho xây dựng NTM làm đường, bê tông kiên cố hóa giao thông nội đồng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các thiết chế văn hóa và cơ sở hạ tầng khác... Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 352 xã, 700 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã, 317 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4.352/4.352 (100%) KDC có nhà văn hoá; 100% xã có điện lưới quốc gia; hàng năm, có trên 80% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 85% hộ gia đình đạt “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá, khu dân cư sống tốt đời, đẹp đạo của đồng bào công giáo; phong trào xây dựng chùa cảnh tinh tiến của đồng bào Phật giáo ngày càng đựơc phát huy, 345/345 KDC Công giáo đã khai trương KDC văn hoá; trong đó có 283 KDC được công nhận KDC văn hoá; 73/164 chùa được công nhận chùa cảnh tinh tiến.
MTTQ đã phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng thông qua xây dựng 4.547 mô hình tự quản, 2.116 câu lạc bộ thể thao; 2.437 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng; 36 mô hình khu dân cư “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn", 1.479 mô hình khu dân cư vệ sinh an toàn thực phẩm, 3.267 khu dân cư an ninh trật tự, an toàn giao thông, trên 1.023 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường...
Thông qua tổ chức Ngày hội và Tháng cao điểm vì người nghèo, trong 20 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động làm mới và sửa chữa 13.496 nhà cho hộ nghèo trị giá trên 163.259 tỷ đồng; hỗ cho nhân dân sản xuất trên 34,52 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh trên 4,786 tỷ đồng và hỗ trợ khác trên 19 tỷ đồng; phối hợp trao tặng 10.393 thẻ BHYT cho các hộ cận nghèo; tổ chức các hoạt động cứu trợ như: giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ do bão, lũ, giông, lốc; nhà bị cháy; hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị chết do lũ cuốn trôi, gặp bão trên biển, tai nạn lao động, rủi ro nghiêm trọng. Chương trình An sinh xã hội được triển khai thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đạt trên 46.000 tỷ đồng.
Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được tổ chức với nhiều hoạt động như hưởng ứng tham gia ủng hộ “Quỹ đền ơn, đáp nghĩa”; thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; vận động các tổ chức, cá nhân phụng dưỡng 198 Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 180 Nhà tình nghĩa và hàng ngàn suất quà trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến về cách làm hay,hiệu quả hơn nữa trong việc tổ chức ngày hội trong những năm tới thông qua các tham luận. Hầu hết các tham luận đều đánh giá cao, tầm quan trọng cũng như vai trò của MTTQ thông qua việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà hệ thống MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở KDC. Để nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa yêu cầu chính quyền, Đảng bộ các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để MTTQ, các KDC nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc tổ chức Ngày hội.
Đối với MTTQ tỉnh, ông Đỗ Trọng Hưng yêu cầu đơn vị đẩy mạnh các hoạt động về cơ sở, đổi mới tư duy trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sự sáng tạo của mỗi KDC, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp, bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Chú trọng hình thức tổ chức liên khu dân cư, tổ chức tập trung trên địa bàn toàn xã, nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các KDC.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy và bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã 28 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và 38 bằng khen của Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân trong suốt 20 năm qua.