Với người công giáo, năm 2016 được xem là Năm kỷ niệm của lòng thương xót. Đó cũng là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Thiên Chúa, đừng xét đoán và kết án hãy tha thứ và yêu thương. Lời mời gọi này cũng tương trùng với thông điệp của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới đồng bào công giáo trong dịp Giáng sinh vừa qua: “Chúng ta đoàn kết, yêu thương, phấn đấu vì lợi ích chung, làm sao để cuộc sống của người dân cả nước, trong đó có đồng bào c
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng quà Giáng sinh
cho các cháu mồ côi tại cơ sở Vinh Sơn 4, Dòng Ảnh phép lạ Kon Tum.
Đoàn kết và yêu thương. Điều này cũng hiện sinh cho tinh thần đổi mới của Cộng đồng Vatican II được các Giám mục Việt Nam triển khai trong Thư chung 2001: "Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm chia sẻ hy vọng lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người”.
Những ngày theo chân đoàn công tác do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đến thăm và chúc mừng Giáng sinh đồng bào công giáo thuộc hai giáo phận Kon Tum và Buôn Ma Thuột, chưa khi nào tinh thần đoàn kết và sự yêu thương được nhắc tới nhiều đến vậy.
Giáo phận Kon Tum và Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đều là những giáo phận lâu đời ở vùng Tây Nguyên. Những ngày này, trên con đường quốc lộ 14 chạy dọc các tỉnh Tây Nguyên thênh thang trải gió ngàn, trong nắng trời rực rỡ, bạt ngàn hoa dã quỳ. Những cánh hoa mạnh mẽ vươn ra dưới nắng mặt trời, dã quỳ khoác lên mình một vẻ đẹp hoang dại, một sức sống mãnh liệt trên mảnh đất bazan.
Sức sống mãnh liệt ấy chúng tôi bắt gặp trong đôi mắt sáng hiền hòa của những người phụ nữ dân tộc Giarai, Xơđăng, Bahnar, Rơngao, Deh, Jră, Jơlơng... thuộc “Hội Dòng Ảnh Phép lạ” - một tên gọi không chỉ trong nước, cả trên thế giới cũng ít người nghe đến, là một Hội Dòng chỉ chuyên dành cho các thiếu nữ người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, đặc biệt vùng Kon Tum nơi đang nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 800 trẻ mồ côi tại 6 cơ sở bảo trợ.
Chính nhờ các sơ mà hạt giống Tin mừng ngày càng được gieo rắc khắp các bản làng. Các sơ đã thu phục lòng người từ chính đời sống phục vụ đầy tràn tình yêu thương trên chính bản làng của mình với những đứa trẻ mồ côi, nuôi nấng và trao cho chúng một cơ hội thay đổi cuộc đời.
Lặng lẽ ngồi cầm gói quà của ông Chủ tịch Mặt trận vừa trao, bé Phi, 8 tuổi, người dân tộc Bahnar rụt rè chia sẻ, em được đưa vào Cơ sở Vinh Sơn 4 thuộc Dòng Ảnh Phép lạ từ năm lên 4 tuổi. Mẹ bỏ nhà đi khi Phi còn nhỏ, rồi cha lấy vợ mới chỉ còn lại Phi bơ vơ giữa núi rừng. Bây giờ hỏi mẹ là ai em không còn nhớ, hỏi bố ở đâu làm sao Phi biết được. Điều mà Phi ghi nhớ trong lòng lúc này là những tình cảm của các sơ đã chăm bẵm cho em từng bữa ăn, giấc ngủ. Với Phi, bây giờ các sơ chính là mẹ, là cha và cơ sở Vinh Sơn 4 này chính là mái nhà sẽ nuôi em khôn lớn.
Nhìn Phi và hàng trăm đứa trẻ mồ côi khác ở những cơ sở Vinh Sơn thuộc Dòng Ảnh Phép lạ, chúng tôi càng thấm hiểu thế nào là yêu thương. Như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, các sơ chưa từng một lần làm mẹ, nhưng tình yêu mà các sơ nguyện dành cho trẻ mồ côi còn lớn lao hơn cả một người mẹ.
Kinh Thánh viết: "Sống ở trên đời, ai trong chúng ta cũng muốn yêu và được yêu, bởi tất cả chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu cao cả”. Tình yêu cao cả ấy chúng tôi cũng được ngắm nhìn dưới mái trường Mầm non Họa Mi, thuộc Dòng Nữ Vương Hòa Bình được thành lập từ năm 1998, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều nữ tu đã gắn bó cả cuộc đời mình để chăm lo cho trẻ, coi trường là nhà, chăm sóc, yêu thương trẻ như chính người thân của mình. Chính tinh thần thiện nguyện của các sơ trong việc chăm sóc trẻ tận tình, chu đáo là niềm tin để các phụ huynh tin tưởng, đưa trẻ đến học các trường của tôn giáo nhiều hơn. Và cũng nhờ lòng nhiệt huyết của các nữ tu, nhà trường đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho các trường mầm non công lập trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ tới trường.
Đến thăm và chia sẻ với giáo viên và học sinh nhà trường vào đúng dịp lễ trọng của người Công giáo, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong nền giáo dục của tôn giáo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non tôn giáo là những người có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc trẻ.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân với Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng như Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum khi thời khắc của ngày lễ Noel chỉ còn vài giờ, người đứng đầu Mặt trận đều trân trọng nhắc tới những cơ sở nuôi dưỡng và giáo dục của các nữ tu công giáo đã và đang có nhiều đóng góp thiết thực vào đời sống xã hội.
Giám mục Nguyễn Văn Bản cho rằng, người công giáo ở đâu cũng vậy, đều tham gia vào việc xây dựng đời sống xã hội nhất là khi năm nay là Năm kỷ niệm của lòng thương xót. Chia sẻ những dự cảm và niềm tin của mình trong Năm kỷ niệm của lòng thương xót, Giám mục Nguyễn Văn Bản ao ước tất cả mọi người, với truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam hãy nảy nở lòng thương xót, không phân biệt tôn giáo, yêu thương và đoàn kết để cùng nhau phát triển.
Đạo Công giáo chỉ mới có mặt ở Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ lại trải qua những năm tháng thăng trầm, đầy sóng gió. Thế nhưng tôn giáo này đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt những chính sách của Đảng, Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng – tôn giáo cùng với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Vatican đang tiến triển tốt đẹp đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào Công giáo.
Trong những năm qua, triết lý nhân sinh "tốt đời đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo và nhân dân cả nước sống trong một mái nhà chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng lòng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chính bởi thế, ở đâu có người Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương. Như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong Thư chúc mừng Giáng sinh 2015 đã bày tỏ sự tin tưởng đồng bào Kitô hữu Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, chung sức chung lòng xây dựng đất nước Việt Nam vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với những việc làm tốt đẹp, đầy tính nhân văn của cộng đồng giáo dân, có thể thấy, Giáng sinh giờ không chỉ là ngày lễ của những người trong đạo, mà còn mang ý nghĩa lớn lao hơn, đó là một mùa an lành dành cho mọi người, mọi nhà, là dịp bày tỏ tình cảm với những người thân yêu, san sẻ tình thương cho những mảnh đời bất hạnh. Nói như Giám mục Nguyễn Hùng Vị, làm như thế, tinh thần gắn bó, tương thân tương ái đã thấm vào mỗi hành động, lời nói của bà con giáo dân, nối dài thêm nhịp cầu yêu thương, đoàn kết trong cộng đồng.
Chính vì vậy, từ chuyến thăm của người đứng đầu Mặt trận đến hai giáo phận Kon Tum và Buôn Ma Thuột, những nhịp cầu yêu thương và đoàn kết thêm nối dài và mang đến nhiều dự cảm tốt lành để Giám mục Nguyễn Hùng Vị và Giám mục Nguyễn Văn Bản cùng Linh mục Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Đắk Lắk khẳng định sự dấn thân của mình nhiều hơn nữa trong việc phối hợp, đóng góp ý kiến với chính quyền địa phương, góp phần xây dựng Mặt trận, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
Nói như Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thì chuyến thăm của Chủ tịch Mặt trận mang đến một thông điệp: dù rằng chúng ta còn nhiều khó khăn ở phía trước, còn nhiều khác biệt, nhưng với niềm tin và sự đoàn kết, chúng ta không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, xoá bỏ những cách biệt cùng yêu thương nắm tay nhau vì những sự chung của đất nước, của dân tộc.
Trong những ngày ở Kon Tum, Đắk Lắk, đi tới đâu chúng tôi cũng được ngắm nhìn cảnh sắc hang đá Belem lộng lẫy được dựng nên từ chính bàn tay tài hoa của các giáo dân. Ai cũng có cảm giác như đang đối diện với cánh đồng Belem ở một xứ sở xa xôi nào đó và tự nhủ thầm, cách đây hơn 2000 năm tại Belem, Đức Jesus đã giáng sinh làm người. Đó là một tình yêu cao cả- món quà của Thiên Chúa ban tặng.
Vì lẽ đó, con người cũng ban tặng cho nhau những món quà ý nghĩa vào dịp này. Vượt qua mọi ranh giới đạo đời, ngày Chúa Giáng sinh trở thành ngày sum họp của sự an lành và yêu thương.
Yêu thương là suối nguồn của cuộc sống. Đoàn kết những yêu thương vì những lợi ích chung cũng chính là sức mạnh để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nói như Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thì chuyến thăm của Chủ tịch Mặt trận mang đến một thông điệp: dù rằng chúng ta còn nhiều khó khăn ở phía trước, còn nhiều khác biệt, nhưng với niềm tin và sự đoàn kết, chúng ta không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, xoá bỏ những cách biệt cùng yêu thương nắm tay nhau vì những sự chung của đất nước, của dân tộc. |