Sau hàng loạt vai phản diện, những tưởng Doãn Quốc Đam sẽ bị đóng khung bởi dạng nhân vật này. Thế nhưng, sự trở lại mới đây của anh trên màn ảnh khẳng định Doãn Quốc Đam hoàn toàn có thể “biến hoá” khôn lường vào các dạnh nhân vật khác nhau.
Cùng lúc đảm nhận 2 vai diễn trên màn ảnh nhỏ, Doãn Quốc Đam gây bất ngờ bởi tạo hình hai hình tượng nhân vật mà anh hóa thân quá khác nhau.
“Mỗi vai diễn đến với tôi đều như có “duyên”. Khi nhận vai, tôi sẽ ngẫm hình tượng nhân vật là gì, mình sẽ hoá thân vào nhân vật như thế nào. Trong mỗi vai diễn, điều mà tôi luôn quan tâm đầu tiên chính là sự rung động với nhân vật của mình.
Nếu không có cảm xúc thì khác gì một cái máy được lập trình và cứ thế diễn. Nó chỉ đem lại sự giả vờ mà khán giả nào cũng có thể nhận ra”, diễn viên Doãn Quốc Đam nói với Đại Đoàn Kết Online về sự chuẩn bị của anh cho mỗi vai diễn.
Gã “lập dị” của điện ảnh Việt
Doãn Quốc Đam sinh năm 1988, tại Thái Nguyên. Trước khi trở thành diễn viên, anh từng là thành viên trong nhóm nhảy học đường nổi tiếng của tỉnh. Do nghịch ngợm, thầy giáo từng khẳng định Doãn Quốc Đam sẽ không thể tốt nghiệp THPT.
Thế nhưng, sau đó, anh đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh với số điểm chuyên môn cao. Trước khi trở thành diễn viên, Doãn Quốc Đam từng làm nhiều công việc như trợ lý trường quay cho đoàn phim để kiếm sống.
Ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả bằng hàng loạt vai diễn phản diện, phải kể đến như: Cảnh (Quỳnh Búp Bê), Feroda/ Long Nhật (Mê Cung) hay Thông (Sinh Tử)… Doãn Quốc Đam được người hâm mộ ưu ái đặt biệt danh “gã lập dị” trên màn ảnh Việt.
Nhận xét về cách diễn của đàn anh, diễn viên Trần Vân từng nói: “Tôi nghe mọi người nói nét diễn của anh Đam rất dị”. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng khen anh phong trần và luôn thể hiện "chất" riêng khi hóa thân vào vai diễn. Thanh Hương nói Doãn Quốc Đam đàn ông từ ngoại hình đến cách diễn xuất.
Khí chất ấy không chỉ thể hiện qua những bộ phim nổi đình đám mà Doãn Quốc Đam từng tham gia mà được thể hiện rõ nét thông qua các nhân vật Phống (Lặng yên dưới vực sâu) hay Trần Tú (Người phán xử), Long (Khép mắt chờ ngày mai), Kiên (Lựa chọn cuối cùng)…
Song, Mê cung mới chính là cơ hội giúp anh thể hiện rõ nhất chất lập dị. Anh vào một lúc hai vai - Ferora (kẻ sát nhân mắc chứng tâm thần phân liệt) và Long Nhật (một người tự kỷ ám thị). Diễn tả hai con người ở hai trạng thái tâm lý gần giống nhau, Doãn Quốc Đam dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu biểu hiện của họ. Anh học một số cử chỉ của thiên tài tự kỷ Jacob Barnett, "nhặt nhạnh" dáng đi cà giật của một người qua đường. Trong nhiều phân đoạn, ánh mắt láo liên, điệu cười vô hồn... của anh gây ám ảnh cho khán giả. Mỗi khi Fedora ra tay giết người, cách hành xử kỳ quái của hắn khiến nhiều người xem phải ghê sợ.
“Biến hóa” khôn lường
Những tưởng, sau hàng loạt vai diễn phản diện, tên tuổi của Doãn Quốc Đam sẽ bị đóng khung ở dạng nhân vật này. Thế nhưng, bằng chính bản lĩnh và sự nhiệt thành với nghề, mỗi lần Doãn Quốc Đam xuất hiện trên màn ảnh là mỗi lần anh mang đến cho nhân vật của mình màu sắc mới khiến người xem đã mắt.
Mới đây, anh trở lại màn ảnh nhỏ cùng với 2 vai diễn có tạo hình khác nhau. Doãn Quốc Đam gây bất ngờ bởi sự “biến hóa” khôn lường của mình. Nếu như ở “Phố trong làng”, Doãn Quốc Đam cạo đầu hóa thân thành “Chí phèo” phiên bản hiện đại của xã Tân Xuân. Nhân vật anh đảm nhận là Mến - gã đàn ông quanh năm rượu chè, đánh vợ, mắng con nhưng ẩn sâu trong Mến lại là khát khao được trở thành người lương thiện.
Trước đó, Doãn Quốc Đam từng đảm nhận những vai xã hội đen hay kẻ từng phạm tội nên khán giả không quá bất ngờ khi vai Mến ở “Phố trong làng” được giao cho anh.
Nói về quyết định táo bạo khi cạo đầu hóa thân thành nhân vật, Doãn Quốc Đam chia sẻ: "Sau khi nhận được kịch bản, tôi đã "bới" trong ngân hàng nhân vật của mình và chốt là sẽ cạo đầu để làm sao đúng với tạo hình nhân vật mà mình tưởng tượng và cảm nhận.
Trong kịch bản không hề mô tả nhân vật Mến phải trọc đầu hay có đặc điểm nhấn về ngoại hình. Thú thực, ban đầu khi tôi chia sẻ ý tưởng, đạo diễn cũng bị sốc và không đồng ý cho tôi cạo đầu. Vì anh ấy muốn dù ở hình tượng nhân vật nào tôi vẫn luôn phải đẹp trong mắt khán giả.
Nhưng cá tính của tôi, đã thích là sẽ làm. Tôi cố gắng thuyết phục đạo diễn cho bằng được”.
Doãn Quốc Đam tâm tình, nhân vật Mến được coi là anh "Chí Phèo" thời hiện đại. Tuy nhiên, Doãn Quốc Đam không bị ảnh hưởng đây sẽ là nhân vật mẫu, vai mẫu để phải cố gắng làm sao cho giống mà Mến của “Phố trong làng” sẽ do chính anh cảm kịch bản, xây dựng và khắc họa.
“Theo tôi thì Mến không thể coi là vai diễn lập dị, thú thực tôi không cảm thấy điều gì khó khăn khi hóa thân vào nhân vật dạng này. Vai mến nó không mang tâm lý quá đa chiều hay nhiều phức tạp. Nhân vật không quá khó để tôi phải mất quá nhiều thời gian như những vai diễn tâm lý loằng ngoằng mà trước đó tôi từng đảm nhận”, anh nói.
Điều này thật sự chính xác khi anh rũ bỏ đi chất “lập dị” sẵn có để hóa thân thành Đông Phong trong bộ phim đang phát sóng “Thương ngày nắng về”. Khác hẳn với những vai diễn trước, Doãn Quốc Đam được xây dựng với vẻ ngoài lãng tử, bảnh bao, pha lẫn sự phong trần. Đông Phong - nhân vật anh đảm nhận là một chàng họa sĩ lãng tử, có chút ngọt ngào dịu dàng và vướng vào mối quan hệ lãng mạn với cô sinh viên Vân Vân (Ngọc Huyền) trẻ trung đáng yêu.
Từ tạo hình đầu trọc cùng áo quần xơ xác ở “Phố Trong Làng”, Doãn Quốc Đam vô cùng bảnh bao với sơ mi họa tiết, mái tóc dài lãng tử xuất hiện trong “Thương ngày nắng về. Doãn Quốc Đam thừa nhận, Đông Phong chính là cơ hội để anh chứng tỏ khả năng nhập vai đa dạng của mình. Anh mang đến cho người xem làn gió mới, tạo cảm giác hứng thú, muốn khám phá xem lần này anh sẽ còn “biến hóa” được đến đâu.