Đoàn TTVN tại Olympic: Thầy lo thì ít mà chơi thì nhiều?

Khánh Vy 11/08/2016 07:18

Kỳ tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khi giành HCV đầu tiên cho TTVN tại một kỳ Olympic đã là đề tài nóng, chiếm mọi sự chú ý nơi NHM Việt Nam. Thế nhưng, một câu chuyện cũng chẳng hề kém cạnh và cũng thu hút phần lớn sự chú ý liên quan tới đoàn TTVN tham dự thế vận hội lần này chính là việc có quá nhiều cán bộ trong thành phần tham gia đoàn với vai trò quản lý đi.

Đoàn TTVN tại Olympic: Thầy lo thì ít mà chơi thì nhiều?

Số VĐV đoàn TTVN dự Olympic 2016 còn ít hơn những thành phần khác.

Theo quyết định thành lập đoàn TTVN tham dự Olympic 2016, đoàn gồm 50 thành viên, do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn làm Trưởng đoàn.

Danh sách các VĐV tham dự giải lần này gồm 23 VĐV Việt Nam và hơn phân nửa số thành viên của đoàn còn lại là các HLV, chuyên gia và các quan chức thể thao. Ngoài 16 HLV, chuyên gia vốn thừa khả năng quản lý VĐV, ngành thể thao đã đưa thêm 11 cán bộ sang Brazil.

Câu chuyện nhiều VĐV phải “đơn thương độc mã” tranh tài tại Brazil mà không có bất kỳ một ông thầy thực sự của mình là thực tế đã diễn ra lúc này. Không có HLV theo sát nhưng đoàn TTVN lại rất nhiều cán bộ sang dự Thế vận hội, trong vai trò nhà quản lý.

Ai cũng thừa biết, ở một giải đấu đỉnh cao và khốc liệt như Olympic, thì điều mà VĐV cần nhất đó chính là việc sẽ có được HLV vốn theo sát quá trình nhiều năm tập luyện của mình có thể chỉ bảo thêm về chuyên môn cũng như quá hiểu mình để chăm sóc, lo toan những công việc bên ngoài chuyên môn. Họ cần những người thầy “ruột” chứ chẳng cần những người chỉ có thể giúp mình trong việc làm thủ tục hành chính, lo chuyện giấy tờ, thủ tục.

Ngay khi đưa đoàn TTVN tới Brazil, ông Trần Đức Phấn đã phải lên tiếng thừa nhận, các VĐV Việt Nam gặp khó khăn vì thiếu bác sĩ. Đó không phải là điều quá mới bởi những ai theo sát TTVN nhiều năm qua đều cho rằng họ đang “bổn cũ vẫn được soạn lại” khi thành phần theo đoàn có cán bộ quá nhiều và họ đã giành vé của các HLV và bác sĩ.

Ngay từ khi danh sách này được công bố, đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích về việc trong khi nhiều VĐV thiếu chuyên gia, HLV đi kèm để chỉ đạo, hướng dẫn nhưng vẫn có nhiều quan chức có tên.

Trong danh sách đoàn TTVN dự Olympic 2016 (23 VĐV, 27 cán bộ đoàn), thì nhân vật đang được nhắc tới nhiều nhất chính là ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn).

Những người theo thể thao thành tích cao của VN trong nhiều năm qua thì chẳng lấy làm lạ khi ông này đã không bỏ sót bất kỳ giải đấu nào của đoàn thể thao Việt Nam trong khu vực, châu lục và trên thế giới.

Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu người ta biết Judo Việt Nam năm nay chỉ có duy nhất 1 VĐV tham dự là Văn Ngọc Tú. Cô đến Rio de Janeiro một thân một mình, không đồng đội, cũng chẳng có HLV.

Những người theo dõi thể thao ai cũng biết ông Hùng đã nhiều năm chuyển qua công tác quản lý ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội, không còn thường xuyên lo công tác chuyên môn của môn Judo và kịch bản ông này “ăn theo” đội tuyển Judo đi dự các giải lớn đã được áp dụng khá nhiều lần ở các giải đấu trong và ngoài khu vực như các kỳ SEA Games 2013 (Myanmar); 2015 (Singapore) hay tại ASIAD 2010 (Trung Quốc) và ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc).

Còn tại sân chơi Olympic thì ở London 2012 (Anh) và nay là Olympic Brazil 2016 đều không giải nào vắng mặt ông này. Điều đó cho thấy, giải dù lớn hay bé ở nước ngoài đều không thể thiếu ông cán bộ này dù góc độ chuyên môn đóng góp cho VĐV chắc chắn chẳng thể bằng những HLV vốn theo sát họ từng ngày.

Câu chuyện của ông Hùng lấy chỗ tại Brazil năm nay đã được dân thể thao cho rằng ông đang làm “cú vét” trước khi “hạ cánh”.

Không chỉ riêng ông Hùng, cũng có một cái tên khiến mọi người tưởng ngỡ ngàng nhưng cuối cùng cũng chẳng lấy làm bất ngờ khi Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang (cầu lông) không có HLV đi cùng. Người được giao nhiệm vụ hỗ trợ họ là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục TDTT) Nguyễn Trọng Hổ, vốn xuất thân là dân... điền kinh.

Tương tự là trường hợp của bộ đôi Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng (vật) đã không có chuyên gia người Gruzia - Fridon, đi cùng. Thay vào đó là Trưởng bộ môn vật (Tổng cục TDTT) Nguyễn Thế Long, người thường lo công việc quản lý hành chính.

Kiếm thủ Đỗ Thị Anh của đội tuyển đấu kiếm quốc tế cũng không có chuyên gia người Hàn Quốc Ko Jin đi theo hỗ trợ công tác chuyên môn.

Ở một bộ môn như bơi lội thì dù đã có HLV trưởng Đặng Anh Tuấn đi cùng nhưng trưởng bộ môn Đinh Việt Hùng cũng vẫn có tên trong thành phần đoàn.

Ai cũng hiểu, các VĐV khi bước vào giải đấu lớn khi thi đấu rất cần những người hiểu mình, làm công tác tốt về tư tưởng cũng như hỗ trợ về chuyên môn, tìm hiểu thông tin về các đối thủ.

Khi có thầy ruột, các VĐV chắc chắn sẽ yên tâm hơn, thay vì thi đấu trong áp lực thành tích đến từ những người đứng đầu bộ môn, Liên đoàn hay ông Giám đốc Trung tâm…

Với thành phần cán bộ đông hơn VĐV nên chẳng thể trách cứ những người yêu thể thao nước nhà khi cho rằng đoàn TTVN đi dự Olympic có không ít cán bộ tranh thủ đi… du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoàn TTVN tại Olympic: Thầy lo thì ít mà chơi thì nhiều?