Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu: Vẫn khó vì chiết khấu

Thúy Hằng-Minh Sang 21/04/2023 07:37

Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu, chiết khấu xăng dầu từ DN đầu mối “vẫn rất phập phù”, đặc biệt là gần mỗi kỳ điều chỉnh giá khiến hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn không có được chiết khấu hợp lý từ doanh nghiệp đầu mối. Ảnh: Quang Vinh.

“Phập phù” chiết khấu

Ông Giang Chấn Tây - Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho biết, hiện các DN bán lẻ xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn do thời gian qua những quy định trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và các Thông tư liên quan gây ra một số vướng mắc cho DN bán lẻ, nhất là không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức được quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC.

Trong Nghị định cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho DN bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy mà chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức 0 đồng hoặc âm, từ đó dẫn đến DN bán lẻ thua lỗ kéo dài phải cầm cố, bán cả tài sản, nhà cửa, đất đai,... để bù lỗ cho việc kinh doanh xăng dầu.

“Các DN bán lẻ xăng dầu đã thua lỗ nặng nề trong thời điểm năm 2022. Chuyện này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian qua” - ông Tây nói.

Trên thực tế, chiết khấu kinh doanh xăng dầu thường biến động trước mỗi kỳ điều hành giá. Chẳng hạn vào ngày 20/4 (trước kỳ điều hành giá một hôm), Công ty Petrotimes thông báo chiết khấu dầu Diesel kho Hải Linh (Hải Phòng) là 1.750 đồng/lít, xăng A95 tại kho Hoàng Huy, Đình Vũ là 1.250 đồng/lít. Trước đó vào ngày 19/4, chiết khấu Dầu Diesel tại kho Hải Linh (Hải Phòng) là 1.550 đồng/lít, tại kho Cái Lân (Quảng Ninh) là 1.350 đồng/lít, chiết khấu xăng A95 tại kho Hoàng Huy, Đình Vũ là 1.250 đồng/lít.

Các DN bán lẻ xăng dầu cho rằng, sở dĩ gần đây chiết khấu xăng dầu có phần “xông xênh” hơn vì dự báo vào kỳ điều hành giá xăng ngày 21/4, giá xăng dầu kỳ vọng giảm 600 đồng/lít do giá xăng dầu thế giới giảm. Các đầu mối xăng dầu phải tăng chiết khấu để thoát hàng ở kho.

Mức chiết khấu bao nhiêu là hợp lý?

Vậy chiết khấu xăng dầu biến động như thế nào? Đại diện một DN bán lẻ xăng dầu cho biết, các DN đầu mối cũng như DN bán lẻ đều có phương án để tính toán được giá xăng trong kỳ điều hành tiếp theo. Nếu giá xăng tăng thì DN đầu mối sẽ bóp chiết khấu về 300 đồng/lít thậm chí âm, lúc đó muốn lấy hàng cũng khó vì DN đầu mối giữ hàng để chờ tăng giá. Ngược lại, giá xăng dầu dự báo giảm thì chiết khấu xăng dầu sẽ cao hơn. Nhiều DN bán lẻ cho biết, chiết khấu là do sự “ban phát” từ DN đầu mối.

Trong một diễn biến mới, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét kiến nghị của một số DN bán lẻ xăng dầu liên quan đến đề nghị hoàn trả lợi nhuận, chi phí kinh doanh định mức cho DN.

Văn bản được gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau khi Văn phòng Chính phủ nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số DN bán lẻ xăng dầu liên quan đến các chi phí kinh doanh định mức, hoàn trả lợi nhuận cho DN bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, việc hoàn trả chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận cho DN bán lẻ xăng dầu như thế nào là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Nhiều chủ DN bán lẻ cho rằng, giải pháp để tính bồi hoàn cho DN bán lẻ rất đơn giản. DN đầu mối căn cứ vào toàn bộ các hóa đơn giá trị gia tăng bán xăng dầu cho DN bán lẻ tiến hành thống kê toàn bộ tổng số lượng xăng dầu bán ra cho DN bán lẻ của từng hóa đơn, của từng loại xăng và dầu kể từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay.

Giả sử sau khi thống kê lượng hàng của DN bán lẻ là X, đồng thời cũng căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng bán xăng dầu cho DN bán lẻ để thống kê số tiền chiết khấu (thù lao) đã chi là Y. Như vậy chiết khấu bình quân đã chi cho DN bán lẻ là Y/X= Z

Cuối cùng, tiến hành đối chiếu lại với phần chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức mà DN bán lẻ được hưởng (khâu bán buôn và khâu bán lẻ cộng chung là 1.350 đồng). Lập Hội đồng thẩm định và quyết định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức mà DN bán lẻ được hưởng, so sánh với chiết khấu bình quân (là Z) để tiến tới hoàn trả cho DN bán lẻ.

Theo phân tích của giới chuyên gia, hiện nay phương pháp tính giá chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường, chưa tính đúng, tính đủ cho DN. Một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hàng năm không phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi đó xăng dầu là hàng hóa chiến lược, liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia vì vậy phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan để đề ra giải pháp cơ bản, toàn diện để khắc phục.

Ông Đậu Anh Tuấn - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần phải thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu theo định hướng thị trường hơn. Hiện nay thị phần của DN nhà nước hạn chế, trong khi nền kinh tế mở đặt ra nhiều quy định để điều tiết, kiểm soát thì rất khó. Theo ông Tuấn, yêu cầu tính đủ rất khó bởi mỗi DN, mỗi mô hình kinh doanh, bối cảnh một khác. “Tôi cho rằng cần có một lộ trình để thị trường hơn, điều này kỳ vọng vào việc sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, gỡ bỏ bớt điều kiện kinh doanh, bỏ giới hạn phạm vi mở cây xăng hiện nay tránh độc quyền, trao quyền cho DN định giá, chủ động chọn nguồn mua” - ông Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu: Vẫn khó vì chiết khấu