Doanh nghiệp cần được 'nuôi dưỡng' để lớn mạnh

QUỐC ĐỊNH 25/10/2022 07:59

Thống kê cả nước hiện có trên 500 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang hoạt động. Khối DN này đóng góp khoảng hơn 40% vào GDP của đất nước, tương đương hơn 30% vào tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung... Thế nhưng chính sách, ưu đãi đối với khu vực DN này chưa thực sự tương xứng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá, DNVVN chiếm khoảng 90% tổng số DN cả nước, đây là hệ thống DN có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nhiều năm trở lại đây, quá trình đổi mới với sự ra đời của các DNVVN đã chứng minh tính đúng đắn của các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN Việt Nam luôn chịu thiệt thòi, khi mà DN nước ngoài vừa có vốn vừa có công nghệ và được nhiều chính sách ưu đãi về thuế, được mời gọi đầu tư và trải “thảm đỏ”. “Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, các DN đều ở trạng thái buộc phải lớn mạnh, DN nhỏ phải phát triển thành DN vừa, DN vừa phát triển thành DN lớn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một chính sách đủ mạnh để hỗ trợ DNVVN” - ông Cương nêu quan điểm.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật Hỗ trợ DNVVN được xây dựng theo hướng nhìn từ góc độ quy mô của DN, đồng thời khắc phục những cản trở do quy mô vừa và nhỏ của khu vực này gây ra, đồng thời tạo điều kiện cho các DN này phát triển. “Nhà nước cần tạo khung pháp lý “mở” để bảo vệ quyền và lợi ích của DNVVN. Khung pháp lý với tiêu chí tạo điều kiện cho DN và coi họ là lực lượng đóng góp lớn nhất cho xã hội. Để làm được như vậy, chính quyền luôn phải hướng tới việc hỗ trợ DN” - ông Tuấn đề nghị.

Khung pháp lý mở, theo hướng DN có thể làm những gì pháp luật không cấm, chứ không nên quy định như hiện nay, thực tế khi DN gặp vướng mắc thì họ phải chờ xin ý kiến của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành, mất thời gian vì thủ tục, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Tuấn mong muốn, Nhà nước cần hỗ trợ DNVVN một cách tích cực ngay từ thời điểm khởi nghiệp, định hướng cho DN xây dựng thương hiệu bằng cách tạo ra sản phẩm chất lượng và giữ uy tín trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, DNVVN có khả năng vươn lên sẽ bứt phá tốt. “Việc đầu tiên là lo về thủ tục, trình tự cho DN. Sau đó, sẽ xây dựng các trung tâm hỗ trợ DN về kinh nghiệm quản lý; có chính sách giúp cho DN tiếp cận và được ưu tiên vay vốn ưu đãi” - ông Tuấn gợi ý.

Theo Luật sư Võ Thị Như Ngọc - Đoàn Luật sư TPHCM, sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương trong quá trình thực thi pháp luật rất quan trọng. Nền kinh tế của đất nước chỉ có thể phát triển nhanh và mạnh hơn nữa nếu có nhiều DNVVN. Những DN này đủ nhỏ để linh hoạt và đủ lớn để có hiệu quả. Do vậy, nếu có thêm chính sách hỗ trợ, chắc chắn DNVVN sẽ lớn mạnh. Từ đó, sẽ tạo hiệu ứng tốt về mặt xã hội và kinh tế.

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TPHCM, trong Hiến chương ASEAN cũng như trong Hiệp định ASEAN, các thành viên đều có chung quan điểm về việc hỗ trợ DNVVN, trên thực tế các nước cũng đều sử dụng các biện pháp liên quan. Trong đó, các biện pháp hỗ trợ về chính sách (Chính phủ Malaysia áp dụng 6 biện pháp phát triển DNVVN), hỗ trợ về tài chính (các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia đã đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, mở rộng kênh huy động vốn gián tiếp và trực tiếp, chủ yếu là vay ngân hàng), hợp tác quốc tế mở rộng thị trường. Ông Dũng cho rằng, để góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, trong đó có DNVVN, rất cần tạo khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ “nuôi dưỡng”, tạo đà cho DNVVN phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp cần được 'nuôi dưỡng' để lớn mạnh