Kinh tế

Doanh nghiệp chưa hết loay hoay với chuyển đổi số

THÁI NHUNG 29/08/2024 09:56

Theo báo cáo thường niên về chuyển đổi số doanh nghiệp (DN) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SME) đang được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, dù đã chủ động hơn, nhưng nhiều DN vẫn loay hoay tìm giải pháp phù hợp.

anhtren(2).jpg
Chuyển đổi số diễn ra trong hầu hết các loại hình doanh nghiệp.

Tìm mô hình thích hợp

Cách đây hơn 2 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đã nhanh chóng có được những kết quả rõ nét. Hiện nay, chuyển đổi số đã diễn ra trong hầu hết các loại hình DN và ở nhiều mức độ khác nhau.

Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều DN nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất DN. Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ rệt, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các DN. Chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số DN nhỏ và vừa, đã có trên 600.000 DN tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó. Khoảng 70.000 DN sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng DN.

Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, ông Đặng Thanh Nhất - Giám đốc Công ty TNHH Cashflow Group cho biết, trước đây khi chưa áp dụng công nghệ, việc lưu trữ dữ liệu, thông tin khách hàng qua excel dẫn đến dữ liệu không tập trung, không đồng bộ. “Thời gian đầu, chúng tôi gặp khó khăn trong việc thiếu hệ thống báo cáo, phân tích ngay lập tức để đo lường, điều chỉnh các chiến dịch marketing và bán hàng. Ngoài ra, nhân viên bán hàng tư vấn thủ công nên số lượng tư vấn khách hàng trong ngày thấp, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng quy mô.

Từ khi áp dụng những hệ thống, phần mềm độc quyền hay có sự trợ giúp từ AI, chúng tôi đã phát triển sản phẩm ngũ cốc nhân bản chiến dịch marketing, bán hàng tự động cho hơn 1.000 đại lý, đào tạo xây dựng hệ thống bán hàng tự động hơn 1.000 CTV bằng chatbot. Nhờ vậy, những dự án của chúng tôi đều tăng doanh thu gấp đôi trong khi số lượng nhân sự giảm và chi phí chỉ mất 80% so với dự kiến ban đầu”, ông Nhất chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Nhất, khi áp dụng các công nghệ số vào khâu quản trị và vận hành có thể khiến DN trở nên cồng kềnh, phức tạp, làm tăng chi phí đầu tư và vận hành so với khi chưa chuyển đổi. Đây là rào cản lớn nhất với các DN khi triển khai chuyển đổi số. Do đó DN, nhất là những DN SME phải tự tìm hướng đi cho phù hợp.

Ông Phí Anh Tuấn - Trưởng ban Chuyển đổi số mảng DN của DXCenter chỉ ra mối bận tâm lớn nhất của các các DN SME tại Việt Nam là việc tìm ra mô hình chuyển đổi số phù hợp, bởi có quá nhiều nền tảng, nhà tư vấn. Nếu lựa chọn không đúng, các DN sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

“Có quá nhiều giải pháp từ giải pháp Việt Nam đến giải pháp quốc tế và DN không đủ thông tin để lựa chọn đúng giải pháp cũng như chưa dự đoán được khả năng mở rộng trong tương lai”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đâu là giải pháp?

Theo ông Đặng Thanh Nhất, người đứng đầu là yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Khó khăn luôn tồn tại nhưng điều quan trọng là, người đứng đầu có muốn thay đổi hay không, nếu muốn họ sẽ tìm cách. Người đứng đầu phải là người định hướng và truyền cảm hứng, tin tưởng vào tiềm năng phát triển, sẵn sàng đầu tư kinh phí và nguồn lực cần thiết. Đối với những DN SME, ông Nhất cho biết cần tạo ra sự linh hoạt, thích nghi với sự thay đổi của công nghệ để duy trì sự dẫn đầu và giám sát chặt chẽ tiến độ chuyển đổi, kịp thời tháo gỡ những rào cản. Rào cản ở các DN SME chính là: Kinh phí đầu tư và nguồn nhân lực.

Về nguồn nhân lực, DN có thể đào tạo đội ngũ tại chỗ, vừa học vừa làm, dễ làm trước khó làm sau. Về kinh phí đầu tư thì có thể lấy ngắn nuôi dài, đồng thời cần tận dụng những chính sách của Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của nhà nước. Ông Nhất cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ của nhà nước là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, theo ông Nhất, DN cần có những chiến lược cụ thể để củng cố kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, tiếp tục phát triển thương hiệu nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.

Ông Phan Thanh Hà - Giám đốc Quỹ Phát triển DN SME cho rằng, còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ở các DN này. Mặc dù đã có nhận thức cao hơn nhưng mức độ áp dụng chuyển đổi số của các DN SME vẫn ở mức áp dụng một phần và chưa đạt được như yêu cầu đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, từ đó không khai thác giá trị mà hoạt động chuyển đổi số mang lại.

Để thúc đẩy DN thực hiện đổi mới sáng tạo, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa đang hỗ trợ các DN SME khởi nghiệp sáng tạo; DN SME tham gia cụm liên kết ngành; DN SME tham gia chuỗi giá trị theo 4 hình thức: Cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, tài trợ vốn và hỗ trợ tăng cường năng lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chưa hết loay hoay với chuyển đổi số