Doanh nghiệp đã dễ vay vốn?

T.Hằng 26/06/2023 08:00

Trung bình, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay là 8,9%/ năm. Chính sách tiền tệ đang chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng được xem là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tuy nhiên dù tích cực nhưng DN cũng cần nâng cao năng lực quản trị tài chính của mình.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Theo biểu lãi suất mới nhất được BIDV niêm yết, ngân hàng này đã giảm 0,5 - 0,7 điểm % lãi sất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng xuống còn 3,4%/năm và 3 - 5 tháng xuống mức 4,1%/năm, đối với hình thức gửi tiền tại quầy. BIDV cũng giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất huy động cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 6,3%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Trước đó, Agribank và Vietcombank cũng đã giảm lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng xuống còn 3,4%/năm và 3 - 5 tháng xuống mức 4,1%/năm, đối với hình thức gửi tiền tại quầy. Với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng chỉ còn được hưởng lãi suất 5% và mức cao nhất 6,3%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Khi các ngân hàng giảm lãi suất thu hút thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Dữ liệu NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Khi lãi suất giảm, liệu DN có dễ vay vốn hơn? Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho rằng, không thể chỉ bằng một chính sách đơn lẻ mà DN có thể thoát khỏi khó khăn. Giảm lãi suất có hiệu ứng tích cực tới nền kinh tế, song cần thêm nhiều chính sách đồng bộ khác. “Trong mỗi quốc gia, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải luôn có sự song hành, giống như muốn vỗ tay thì phải có cả hai bàn tay” - ông Tùng nói.

Nâng cao năng lực quản trị dòng vốn

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa (SME) TP Hà Nội thừa nhận, kinh tế khó khăn, nhiều DN đóng cửa nên cũng không có nhu cầu sử dụng vốn. Vì vậy về phía ngân hàng cũng cần phải gỡ thủ tục hành chính, có cái nhìn khách quan hơn, đồng hành cũng DN, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực khi tăng tỷ trọng cho vay DN SME từ mức 5-10% lên mức 19% tổng dư nợ nền kinh tế hiện nay. Song cái khó là các DN nhỏ và vừa phải cạnh tranh rất lớn với DN khác như DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, cho vay dân cư, cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có chuẩn mực cho vay rất khắt khe và ngày càng chặt chẽ hơn. Trong đó, quan trọng nhất nếu muốn tiếp cận vốn là DN phải có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, quản trị chặt chẽ. Hiện nay, khả năng quản trị của DN SME còn khá yếu, quản lý sổ sách kế toán chưa minh bạch…

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho biết, vốn tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa đang là vấn đề được các ngân hàng và DN quan tâm. Thực tế hiện nay phần lớn DN nhỏ và vừa đều sử dụng vốn hiệu quả. Con số của NHNN cho thấy hiện nay có khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng tiền cho vay đối với khu vực này và tỷ lệ nợ quá hạn cũng rất thấp, chỉ khoảng 3-4%.

Theo chuyên gia Lê Duy Bình, DN muốn tiếp cận được dòng vốn ngân hàng, đặc biệt là DN nhỏ và vừa thì cần nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và tìm cách sử dụng nguồn vốn tốt nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ cần làm đúng cam kết với ngân hàng khi vay vốn, phục vụ sự phát triển bền vững của chính DN và hoàn trả lại vốn cho ngân hàng.

Năng lực quản trị của DN, đặc biệt là quản trị về mặt tài chính, rủi ro trong quá trình hoạt động, rủi ro trong tài chính, rủi ro về thị trường, rủi ro về mặt pháp lý là điều các DN phải tính đến khi vay vốn từ ngân hàng.

Đứng ở góc độ là người quản lý, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN) cho rằng, việc tiếp cận vốn của DN nhỏ và vừa còn nhiều nút thắt. NHNN nhận thức rõ ràng và phân ra 2 loại khó khăn. Thứ nhất là khó khăn về vấn đề tài chính, áp lực trả nợ ngân hàng. Về vấn đề này, NHNN đã thực hiện giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và đặc biệt là không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, là giải pháp giữ minh bạch về tài chính cho DN. Khó khăn thứ hai là nhiều DN SME có phương án kinh doanh rất yếu, thậm chí không có, vì thế ngân hàng không có cơ sở để cho vay mới.

Theo ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN) DN phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh của mình, rộng hơn là thị trường, phương án kinh doanh khả thi không, đem lại khả năng phục hồi không. Nếu tốt, ngân hàng đều rất sẵn sàng tài trợ đầy đủ nhu cầu vốn cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đã dễ vay vốn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO