Doanh nghiệp dịch vụ tăng tốc tuyển dụng

Lê Bảo 16/11/2023 07:15

Thời điểm cuối năm, thị trường lao động ghi nhận những tín hiệu tích cực, từ đó tăng tuyển dụng, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động... Trong số các lĩnh vực, thương mại - dịch vụ luôn là nhóm có số lượng tuyển dụng cao nhất.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Thái Nguyên. Nguồn: TNO.

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Chị Nguyễn Thị Nga - chuyên viên nhân sự Hệ thống Siêu thị BRG Mart cho hay, cuối năm thường là thời điểm bùng nổ của ngành bán lẻ, bởi nhu cầu phục vụ dịp Tết sẽ tăng. Về nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm, chị Nga cho biết chưa có con số chính xác, song khẳng định hệ thống đã có mặt ở 7 tỉnh, thành phố, với Hà Nội là trọng tâm nên nhu cầu tuyển dụng luôn dồi dào.

Cũng theo chị Nga, sau hai năm đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ đang phát triển chóng mặt, chưa kể các siêu thị mini cũng mọc lên rất nhiều ngoài các đại siêu thị như trước kia. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam cũng có nhiều thay đổi chính vì vậy, nhu cầu nhân lực bán lẻ ngày càng sôi động. Nhu cầu tuyển dụng lớn đi kèm lương cũng như các chính sách phúc lợi ngành này khá tốt. “Với các vị trí phổ biến là nhân viên bán hàng sẽ có mức lương từ 6 - 8 triệu đồng, ngoài lương cứng, người lao động sẽ được cộng với lương kinh doanh nên mức thu nhập có thể tăng lên tùy vào doanh số. Cùng với đó, nhân viên sẽ được đóng bảo hiểm đầy đủ sau 2 tháng thử việc và được đảm bảo các chế độ, quyền lợi tốt nhất” - chị Nga cho biết.

Dữ liệu từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng cho thấy, trong quý III/2023 có 18.300 lượt doanh nghiệp (DN) đăng tuyển 66.887 lao động, 73.085 lao động tìm việc.

Trong 5 nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất, đứng đầu là môi giới bất động sản - trái ngược với tình trạng tuyển dụng ảm đạm so với giai đoạn trước; theo sau là nhóm thực phẩm và đồ uống; kỹ thuật điện, nhân viên an ninh; nhân viên marketing; giám sát công trình.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, mặc dù thị trường lao động còn những khó khăn nhất định, nhu cầu tuyển dụng ở thời điểm này vẫn rất lớn.

Bởi như thông lệ hàng năm, thời điểm quý 4 DN luôn có xu hướng tuyển dụng lao động tăng so với những thời gian trước đó trong năm. Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận được nhiều đơn đăng ký tuyển dụng từ các DN tham gia phiên giao dịch việc làm.

“Trong số các lĩnh vực, thương mại - dịch vụ luôn là nhóm có số lượng tuyển dụng cao nhất, riêng tại địa bàn Hà Nội luôn chiếm hơn 90% tổng số nhu cầu tuyển dụng của các nhóm ngành nghề. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng trong ngành này sẽ tiếp tục có xu hướng tăng” - ông Thành nhận định.

Vẫn tiềm ẩn khó khăn

Những dữ liệu trên cho thấy, thị trường lao động đã có những tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, thị trường lao động vẫn chưa thực sự phục hồi. Trong thời gian tới đặc biệt đầu năm 2024 số lao động mất việc làm, thất nghiệp dự báo sẽ gia tăng. Thực tế tại thời điểm này được cho là thời điểm sôi động khi DN bước vào mùa sản xuất, đơn hàng dồi dào phục vụ nhu cầu các dịp lễ cuối năm, tuy nhiên ở nhiều địa phương số lao động bị cắt giảm vẫn có xu hướng gia tăng. Đơn cử như TPHCM, dự báo việc cắt giảm lao động ở các DN sẽ tiếp diễn trong quý 4/2023. Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, trong tháng 10, toàn thành phố có hơn 12.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 13.600 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn thành phố tiếp nhận hơn 128.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời ban hành 126.000 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người đủ điều kiện.

Không riêng TPHCM tình trạng cắt giảm lao động vẫn đang là câu chuyện nóng ở nhiều địa phương hiện nay. Đề cập triển vọng thị trường lao động quý 4/2023, Bộ LĐTBXH cũng cho biết, số người có việc làm sẽ tăng. Dự báo, cả nước sẽ có 51,3 triệu người lao động có việc làm. Một số ngành sẽ tăng người làm việc, đồng nghĩa các doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều lao động, gồm có: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước, tăng 2,4%; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, tăng 2,2%.

Trong khi đó, 3 ngành sẽ giảm số lao động làm việc là: Sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.

Trước thực tế trên, để điều tiết cung - cầu lao động trong những tháng cuối năm cũng như năm 2024, TS Trịnh Thu Nga - Phó Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và Xxã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng, giải pháp then chốt là cần tăng cường đào tạo tại chỗ cho các DN. “Việc tăng cường đào tạo tại chỗ trong ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trước mắt là rất quan trọng” - bà Nga nói.

Thực tế trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH cũng đã có các chương trình phối hợp, hỗ trợ với các DN FDI để đào tạo, đào tạo nâng cao cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các DN lớn tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…Thông qua các chương trình phối hợp này góp phần đáng kể việc điều tiết cũng như tạo việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, bà Nga cho rằng, cần phát huy vai trò của các Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương trong tăng cường kết nối cung - cầu để gắn kết, liên thông, kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận, hoặc giữa các vùng với nhau. Từ đó, thực hiện tốt việc điều phối, thu hút nhân lực chất lượng cao cho các DN trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp dịch vụ tăng tốc tuyển dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO