Doanh nghiệp đối diện mối lo thiếu hụt lao động

Thành Luân – Đoàn Xá 05/10/2021 02:19

Kể từ thời điểm TP HCM nới lỏng giãn cách, thành phố chứng kiến dòng người nườm nượp kéo về quê mỗi ngày. Trong khi ở chiều ngược lại, người lao động trở về thành phố lại “nhỏ giọt”… Thực trạng này đặt TP HCM trước thách thức lớn về nguồn lao động, nhất là lao động phổ thông.

Nhu cầu lao động rất lớn

Ngày 4/10 là ngày đầu tiên TP HCM phối hợp cùng 4 địa phương lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An) tạo điều kiện cho công nhân và chuyên gia được được trở lại TP HCM làm việc.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, do tâm lý lo ngại dịch Covid-19, người dân có xu hướng dịch chuyển từ TP HCM về quê nhiều hơn là ở chiều ngược lại. Một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã phải tận dụng thời gian nới lỏng giãn cách để chủ động đưa đón công nhân, người lao động từ các tỉnh trở lại làm việc.

Đơn cử, Công ty Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) chuyên sản xuất giày thể thao, có số công nhân làm việc trực tiếp lên đến 56.000 lao động, thời điểm này cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để giữ chân công nhân.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen cho biết, hầu hết công nhân làm việc tại PouYuen đều đến từ các tỉnh giáp ranh với TP HCM (Long An, Bình Dương, Tiền Giang,…), vì vậy công ty đã bố trí xe về tận quê để đón công nhân trở lại TP HCM làm việc.

Cũng theo ông Nghiệp, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công nhân phải nghỉ làm nhưng công ty vẫn thực hiện chi trả lương từ tháng 6/2021. Đến tháng 9 dù đối diện nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH đầy đủ cho người lao động.

Ngay khi nắm được thông tin thành phố tạo điều kiện cho công nhân, chuyên gia từ các tỉnh trở lại TP HCM làm việc, công ty TNHH May Đức Thiện (huyện Hóc Môn) đã tìm mọi giải pháp để đưa người lao động trở lại làm việc. Tuy nhiên, theo đại diện DN này, với nhu cầu sản xuất lớn, nguồn lao động tuyển thêm hiện tại vẫn chưa đủ.

Trong khi đó, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết, ngay khi việc đi lại được nới lỏng, công ty đã triển khai gấp kế hoạch đón người lao động trở lại TP HCM làm việc. Hiện tại, khoảng 300/400 lao động đã được công ty cho trở lại làm việc trực tiếp sau khi đáp ứng được các điều kiện về phòng, chống dịch của TP HCM. Ngoài ra, đối với công nhân là F0 đang cách ly tại nhà và nhà máy, công ty cũng lập một tổ “đi chợ hộ” để hỗ trợ số công nhân này yên tâm ở lại TP HCM điều trị, sẵn sàng trở lại làm việc khi khỏi bệnh.

Lao động tuyển mới khan hiếm là tình trạng được ông Trương Văn Quân, Giám đốc công ty Phúc Điền tại TP Thủ Đức phản ánh. Theo ông Quân, là một DN nhỏ với vài chục lao động nhưng đợt dịch vừa qua nhân viên, công nhân của ông phải nghỉ làm, phần đông đã trở về quê.

“Do đặc thù công việc nên cũng rất khó để tuyển mới. Dù vậy, với nhu cầu lao động không nhiều, ông Quân vẫn tin tưởng khi liên hệ số nhân lực cũ sẽ nhanh chóng trở lại làm việc vào cuối tháng 10 này” – ông Quân cho biết.

Thiếu lao động là tình trạng diễn ra phổ biến ở nhiều DN trên địa bàn TP HCM. Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP HCM (HEPZA), thống kê chưa đầy đủ hiện có khoảng 31.000 lao động đang về quê tránh dịch. Phía HEPZA đang tích cực phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành để đón số lao động này trở lại làm việc một cách an toàn nhất. Trong đó, HEPZA cũng đã hướng dẫn các DN thành viên về việc triển khai tiêm vaccine cho người lao động chưa tiêm mũi 1 để có đủ điều kiện trở lại làm việc.

Nhiều doanh nghiệp nghe ngóng tình hình

Trên thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, số DN đã chuẩn bị các kế hoạch đưa đón công nhân từ các địa phương về TP HCM làm việc không nhiều. Cho tới ngày 4/10, nhiều DN cho biết, vẫn chưa có kế hoạch gì cho việc đón công nhân, người lao động trở lại công ty làm việc. Lý do là bởi, đang mắc ở khâu thủ tục, giấy tờ. Đại diện DN dệt may ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân) cho biết, hiện thủ tục đưa đón người dân giữa các tỉnh thành phố vẫn khá phức tạp, cần nhiều loại giấy tờ như xác nhận địa phương nơi đi, phương án cách ly, giấy xét nghiệm, báo cáo y tế địa phương nơi đến... nên DN vẫn chưa có ý định đón người từ tỉnh khác về làm việc. Ngoài ra phương tiện đưa đón, thủ tục di chuyển cũng qua nhiều khâu. Theo tính toán của DN này, để đưa khoảng 100 công nhân ở tỉnh khác trở lại TP HCM làm việc tốn hàng chục triệu đồng, chưa kể cơ sở hạ tầng phục vụ cách ly… bởi vậy, nhiều DN vẫn nghe ngóng tình hình.

Tương tự, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã hoạt động trở lại sau khi tạm dừng vì dịch Covid-19. Hiện các DN ở tỉnh được ưu tiên tự chịu trách nhiệm, tự xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, người lao động, tự xây dựng phương án chữa trị, cách ly, khử khuẩn nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm. Nếu người nghi nhiễm diễn biến nặng thì sẽ liên lạc để y tế địa phương can thiệp. Tuy nhiên, hầu hết các DN này cũng chưa có kế hoạch đưa người từ tỉnh thành khác, đặc biệt là ở TP HCM trở lại làm việc vì nhiều lý do khác nhau.

Trong khi đó, các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương cũng chưa có phương án cụ thể đưa người lao động từ TP HCM trở về địa phương.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay tỉnh vẫn chưa có phương án cho việc đưa công nhân, lao động và người dân đi lại giữa 4 tỉnh như đề xuất của TP HCM. Theo ông Minh, vấn đề này liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của từng địa phương, chưa thể thực hiện ngay được. Được biết, hiện tỉnh Bình Dương vẫn đang chuẩn bị thống nhất giữa các sở, ngành để đưa ra phương án tốt nhất, thống nhất việc đi lại giữa nhóm tỉnh thành trên.

Chủ trương nới lỏng giãn cách, cho phép di chuyển liên tỉnh thành là cần thiết nhưng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở các địa phương khác nhau, tốc độ phủ vaccine có sự chênh lệch, tâm lý khó kiểm soát... đã khiến cho việc di chuyển, nhu cầu di chuyển trong vùng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để công nhân, chuyên gia trở lại bắt tay ngay vào làm việc, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM đề xuất, các DN cần có kế hoạch cụ thể và có lộ trình để đón người lao động trở lại làm việc, trong đó cần tuyên truyền, động viên công nhân yên tâm làm việc, tránh tự phát về quê như thời gian gần đây. Muốn vậy, ông Tâm cho rằng, các DN cần phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phủ vaccine cho công nhân, đây chính là điều kiện tiên quyết để các hoạt động của DN sớm trở lại trạng thái bình thường. Ngược lại, chính quyền TP HCM và các địa phương lân cận cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng để tạo thuận lợi cho người lao động trở lại thành phố làm việc.

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, phía đơn vị này đã có cuộc khảo sát và dự báo, nhu cầu lao động vào thời điểm 3 tháng cuối năm của TP HCM vào khoảng 43.000-57.000 lao động. Đây là những con số cho thấy các DN sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu lao động trầm trọng nếu không có các giải pháp chủ động ngay từ bây giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đối diện mối lo thiếu hụt lao động