Doanh nghiệp khóc ròng vì lãi suất cao

THANH GIANG 01/03/2023 09:00

Tại hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, ngày 28/2, nhiều doanh nghiệp than rằng, lãi suất cho vay cao khiến doanh nghiệp khó có thể hồi phục.

Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý.

Lãi suất cao, DN “khát” vốn

“Nói 5 nhóm ngành được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp là 5,5% nhưng thực tế doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số phải vay với mức lãi suất mười mấy %. Có những DN khóc ròng vì lãi suất ngân hàng. Ngân hàng gửi thông tin cho vay với biên độ lãi suất 2,5% so với lãi suất huy động. Thế nhưng, biên độ lãi suất cho vay lên đến 4 – 5%. Ngân hàng lãi, không lỗ, còn DN khóc vì lãi suất” - ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội DN Cơ khí – điện TPHCM cho biết. Theo ông Tống, các DN hội viên bức xúc khi lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022, trong khi cộng đồng DN lại đối diện nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là về vốn và lãi suất. Ngân hàng đối thoại với DN rất nhiều, nhưng việc kết nối chưa mang lại sự cải thiện. Đại diện Nệm Vạn Thành phân trần, một DN sản xuất chỉ thu được lãi 10 – 15%/năm, chưa kể nhiều loại chi phí khác đi kèm, song lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức hơn 15%, thậm chí 20% thì không DN nào chịu nổi. Theo phản ánh của cộng đồng DN, với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay, DN làm ra bao nhiêu đều phải bù vào lãi suất hết. Nhiều DN cho rằng, để DN kinh doanh có lãi, mức lãi suất cho vay hợp lý nhất nên ở mức dưới 10%.

Không chỉ khó khăn vì lãi suất cho vay cao, DN còn rơi vào tình trạng khát vốn trầm trọng nhưng lại bị làm khó dễ. Về vấn đề này, ông Tống dẫn chứng cụ thể trường hợp DN của chính mình. Ông Tống cho biết, trước đây lãi suất hợp lý nên thế chấp tài sản đảm bảo. Khi thị trường lãi suất biến động theo chiều hướng tăng, ông muốn rút tài sản đảm bảo sang tổ chức tín dụng khác nhưng không thể rút sổ ra được vì ngân hàng làm khó, mặc dù không còn dư nợ vay. Gọi lên ngân hàng muốn được hỗ trợ, ngân hàng “vịn” hết lý do này đến lý do khác. Khổ vì gõ cửa ngân hàng, đại diện một DN có sáng chế được bảo hộ hàng chục năm cũng cho rằng, không thể vay vốn ngân hàng mặc dù nằm trong lĩnh vực được ưu tiên vay vốn.

Triển khai nhanh các gói hỗ trợ

Chia sẻ với những gánh nặng về vốn, lãi suất trên vai cộng đồng DN, ông Võ Minh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM thừa nhận, thời gian qua lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Sắp tới sẽ xuống dần theo diễn biến của thị trường trong nước và thế giới.

Đề cập đến vấn đề vốn, lãi suất, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, DN liên tục than khó, than khổ. Ông Mãi đề nghị, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên cơ cấu lại nợ cho DN cũng như vấn đề lãi suất, vốn. Tháo gỡ về vốn và lãi suất rất quan trọng. DN phát triển thì nền kinh tế mới phát triển. “Ngân hàng làm chưa đạt nên DN có nhận xét. Những tồn đọng chưa được giải quyết kịp thời nên còn có khoảng cách với nhau. Gặp nhau đông đủ nhưng những khúc mắc mang đến lại mang về là không hiệu quả” - ông Mãi nói và cho rằng, đối với những gói tín dụng của trung ương, các ngân hàng cần triển khai nhanh chóng, minh bạch, rõ ràng, đồng thời nên có thông tin tổng kết hàng quý để mọi người cùng biết và tháo gỡ vướng mắc. Đối với những gói tín dụng hỗ trợ DN của các ngân hàng trên địa bàn thành phố, khoảng 47.000 tỷ, đề nghị nêu rõ thông tin các gói, cách thức tiếp cận. Các gói tín dụng chảy vào những dự án hiệu quả, ngân hàng cũng tránh được nợ xấu. Theo ông Mãi, muốn triển khai nhanh các gói hỗ trợ, cần phải nhận diện để chặn đà khó khăn.

Kỳ vọng các tổ chức tín dụng tạo điều kiện tốt nhất để DN sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, lãnh đạo UBND TPHCM cũng mong muốn DN tự sắp xếp, tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, quản trị, từ đó sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, gần 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số hỗ trợ cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh đạt 469.000 tỷ đồng. Trong đó giảm lãi suất cho vay 300.000 tỷ đồng, tăng hạn mức tín dụng cho DN là 100.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ trên 9.000 nghìn tỷ đồng. Ngày 28/2, 16 ngân hàng thương mại ký kết với 64 DN với tổng vốn tín dụng 11.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp khóc ròng vì lãi suất cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO