Kinh tế

Doanh nghiệp lập nhóm để cùng tìm kiếm thị trường mới

Thanh Giang 21/05/2025 14:58

Ngày 21/5, tại diễn đàn CEO 2025 “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại” do Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển thị trường xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu 2
Doanh nghiệp nói về việc phát triển thị trường cho sản phẩm. Ảnh: H.H

Đề cập đến việc tăng cường năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp đang bị tác động lớn từ chính sách thuế quan và bảo hộ của các nước. Vì vậy, doanh nghiệp phải có những giải pháp tốt cho thị trường xuất khẩu.

Bà Lý Kim Chi nhận định: “Doanh nghiệp phải thoát khỏi việc chỉ có 1 - 2 thị trường xuất khẩu. Nếu chỉ có một vài thị trường khi có vấn đề xảy ra sẽ gặp khó khăn. Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa tìm được một thị trường như Hoa Kỳ để xuất hàng qua. Với họ, như vậy là đủ nên chưa có tư duy phải tìm thêm các thị trường khác. Cần thay đổi tư duy này”.

Theo lãnh đạo Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hội đã cảnh báo với các doanh nghiệp xuất khẩu cùng triển khai các thị trường ngách, thị trường Halal... Nói chung, phải tái định vị thị trường xuất khẩu, nghĩa là tìm kiếm các thị trường mới.

da giày
Nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi kết quả đàm phán thuế quan Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: TL

Nêu quan điểm về việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bà Võ Thị Liên Hương - Tổng Giám đốc Secoin nhấn mạnh: “ Từ trước đến nay, chúng tôi luôn phát triển theo hướng không bỏ trứng vào cùng một giỏ. Chúng tôi đã xuất khẩu ở 60 thị trường các nước”.

Theo bà Võ Thị Liên Hương, ngay khi nhận thông tin thuế quan 46%, đơn vị lập tức liên kết trong chuỗi cung ứng. Riêng nhà cung cấp phía Hoa Kỳ cho biết, có thể chia ra 3 phần thuế quan, mỗi bên chịu 1/3, gồm: nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng. Thống nhất không cạnh tranh về giá, tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, sản phẩm cạnh tranh về giá trị, về sự khác biệt.

“Mới đây, để tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng của thành phố đã lập nhóm cùng tìm kiếm khách hàng tại hội chợ ở Úc. Đây là giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay”, bà Võ Thị Liên Hương chia sẻ.

Không chỉ đang dạng thị trường xuất khẩu, Secoin còn tổ chức sản xuất theo hướng xanh hóa. Không thể chạy theo từng tiêu chí mà phải là bài toán chung, chuẩn hóa về xanh, bền vững theo hướng quốc tế, đáp ứng tất cả thị trường.

Thị trường XK 1
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho rằng, cần những hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: H.H

Lo ngại về hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho hay, dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua hơn 102 tỷ USD, tăng hơn 10% cùng kỳ nhưng nếu đi sâu phân tích thì thấy rõ sự phân mảnh.

“Nhiều nhóm hàng xuất khẩu mang tính chiến lược và nhiều mặt hàng có nguy cơ không có đơn hàng trong tháng 7. Điều này không chỉ gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn làm xói mòn dòng tiền, khả năng duy trì hoạt động của DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa”, ông Hòa thông tin.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố chỉ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng luôn xác định đây là thị trường quan trọng do tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng khuyến cáo doanh nghiệp, muốn ổn định xuất khẩu, ngoài thị trường Hoa Kỳ cần phát huy các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhằm tận dụng lợi thế và đa dạng thị trường. Song song với thị trường xuất khẩu, DN cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước, 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng là thị trường lớn, thị trường quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp lập nhóm để cùng tìm kiếm thị trường mới