Tháng 4 này, các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng thực phẩm đang chờ sự thay đổi đối với những bất cập trong một số chính sách liên quan đến một số bộ, ngành. Tuy nhiên, khi vấn đề gần được tháo gỡ thì bất cập mới lại xuất hiện...
Mong chờ những chính sách thuận lợi
Theo ông Huỳnh Thanh Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Hải Tân (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản -Vasep), trong tháng 4/2022 này có nhiều vấn đề về mặt chính sách mà DN thuỷ sản mong chờ. Trong đó, có hai vấn đề bất cập nhất mà lâu nay các DN trông đợi tháo gỡ. Thứ nhất, thuỷ sản nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu sẽ được miễn kiểm dịch. Cụ thể, sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành hồi đầu năm nay, vào ngày 12/4 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều Thông tư số 26/2016, Thông tư số 36/2018 về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản.
Ông Hiếu chia sẻ, tháng 4 bắt đầu quý II/2022 cũng là tháng đặc biệt mong đợi của hàng trăm DN có nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản. Đây là thời điểm Bộ NN&PTNT tiếp thu và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016, Thông tư số 36/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Thứ hai, là thuỷ sản nhập khẩu dạng hàng xô, không có bao bì được áp dụng ghi nhãn theo Thông tư 05/2019 của Bộ KH&CN. Điều này nhằm khắc phục bất cập đối với việc ghi nhãn từ trước năm 2019 dựa trên đặc thù và thông lệ của ngành hàng thủy sản là nhiều lô nguyên liệu thủy sản được nhập khẩu dưới dạng hàng xô không có bao bì.
Vị giám đốc này phản ánh, đây là hai vấn đề chính sách được các DN thuỷ sản kiên trì kiến nghị tháo gỡ bất cập từ khá lâu, đến nay mới dần được phía cơ quan quản lý tiếp thu và tiến tới sửa đổi, bổ sung. Với các DN thủy sản nói riêng và DN trong ngành thực phẩm nói chung, đó là những tin mừng bước đầu. Và họ cũng kỳ vọng đây sẽ là bước đột phá, tháo gỡ bất cập về mặt chính sách cho ngành hàng thực phẩm.
Mới đây trong số 8 hiệp hội có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2022 có 2 hiệp hội trong ngành hàng thực phẩm là Vasep và Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA). Qua tìm hiểu, nhiều DN trong ngành hàng thực phẩm nói rằng, công văn kiến nghị của các hiệp hội đã phản ánh đúng nguyện vọng và nỗi lo lắng của họ. Theo đó, việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023 sẽ tạo điều kiện cho các DN thực phẩm có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
Tránh để người lao động mất việc làm
Với ngành hàng thực phẩm hiện nay, các DN đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Đồng thời, hợp đồng với các đối tác đều đã được chốt và ký từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hoá được.
“Tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy DN vào tình huống vô cùng khó khăn. Chúng tôi có thể phải hủy ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc một DN sản xuất gia vị ở TPHCM nói.
Ông Tuấn phân tích, các DN thực phẩm không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước.
Còn nếu áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% thì chắc chắn nhiều DN thực phẩm có nguy cơ sẽ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục ngàn người lao động không có việc làm.