Những khó khăn về chính sách thuế vẫn đang là rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp ngành tôm, họ có thể đứng trước nguy cơ phá sản vì bị truy thu một số tiền rất lớn đối với việc nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia dùng làm thức ăn cho con tôm.
Doanh nghiệp ngành tôm bị đẩy vào thế khó.
Doanh nghiệp kêu cứu
Theo Thông tư 98 của Bộ Tài chính, kể từ ngày 13/8, mặt hàng trứng Artemia sẽ được áp dụng mức thuế nhập khẩu 3%. Đây là một sản phẩm thức ăn cho tôm được các DN nhập khẩu về để phục vụ cho việc nuôi tôm xuất khẩu và cung ứng thị trường trong nước.
Theo phản ánh của các DN ngành tôm, nhiều năm nay, việc khai báo mã hàng của mặt hàng trứng Artemia được các DN khai báo theo đúng mã hàng quốc tế từ nước xuất khẩu là 2309.9013 tương ứng với thuế nhập khẩu tại Việt Nam là 0% được hải quan chấp thuận.
Song, Thông tư 98 của Bộ Tài chính với việc áp thuế mới này thực sự đang đẩy ngành tôm vào thế bí, do các DN ngành tôm sẽ bị truy thu một số tiền lớn. Nhiều DN trong ngành cho biết, quy định này đang đẩy họ vào thế bí, thậm chí nhiều DN có nguy cơ phá sản.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có động thái sẽ áp thuế 5% đối với mặt hàng trứng Artemia nhập khẩu và đã nhận được sự phản đối cực lực từ phía cộng đồng DN. Với lý do, tại sao trước đây DN vẫn nhập khẩu loại thức ăn này cho tôm và được hưởng mức thuế 0%, nay áp mức thuế mới này, chắc chắn các DN sẽ bị truy thu một số tiền rất lớn.
Theo ông Trương Hữu Thông - Giám đốc Công ty Thông Thuận (Bình Thuận), lâu nay các DN tôm phải nhập khẩu thức ăn cho tôm do nguồn thức ăn trong nước chưa thể chủ động được. Công ty Thông Thuận đã nhập khẩu thức ăn cho tôm là trứng Artemia từ năm 2011 đến nay và đều được hưởng thuế nhập khẩu 0%.
“Thế nhưng mới đây, phía hải quan lại yêu cầu cung cấp thông tin theo mã 0511.913000 và 0511.9100, 2 mã hàng này đều chịu thuế nhập khẩu 5%. Nếu hải quan áp mức thuế suất này chúng tôi sẽ bị truy thu số tiền thuế rất lớn, từ năm 2011 đến nay khoảng 5 tỷ đồng” – ông Thông cho biết.
Cũng trong tình cảnh tương tự, một DN xuất khẩu tôm tại TP Hồ Chí Minh cho hay, cho biết: Nếu truy thu thuế và tăng thuế nhập khẩu trứng Artemia lên 5%, chắc chắn giá tôm giống sẽ tăng lên, làm tăng chi phí sản xuất của nông dân, lúc đó cả DN lẫn nông dân đều khó.
Trước những nguy cơ nói trên, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã đồng loạt lên tiếng đề xuất Bộ Tài chính nên xem xét việc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng trứng Artemia từ 5% xuống còn 0%.
Vì theo như nhận định của Vasep, thức ăn dùng cho tôm được hưởng thuế suất bằng 0%, thì trứng Artemia (Brine Shrimp Eggs) - một sản phẩm chuyên dùng cho sản xuất giống thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm giống, cũng phải là đối tượng được hưởng ưu đãi, có chung một mã hàng hóa với thức ăn dùng cho tôm, áp thuế suất bằng 0%.
Lại thêm một rào cản?
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng trứng Artemia xuống còn 0% sẽ tạo cơ hội cho các DN, cơ sở sản xuất giống nhỏ tiếp cận, chủ động nhập khẩu trực tiếp theo nhu cầu mà không cần qua trung gian là các công ty lớn, có tiềm lực kinh tế. Từ đó sẽ giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng con giống ổn định, giúp cộng đồng DN nâng cao được sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, mặc cho các DN, hiệp hội ngành hàng và Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề xuất, nhưng Bộ Tài chính vẫn bỏ qua các ý kiến đóng góp và áp thuế đối với thức ăn tôm giống Artemia nhập khẩu ở mức 3%. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8 tới.
Theo giới chuyên gia trong ngành, việc Bộ Tài chính không quan tâm, bỏ qua ý kiến đóng góp, ban hành thông tư sửa đổi để áp thuế nhập khẩu 3% mặt hàng trứng Artemia khiến cộng đồng doanh nghiệp nuôi tôm có nguy cơ phải “đóng cửa” do họ sẽ bị truy thu thuế một số tiền rất lớn.
“Đáng lẽ chính sách phải góp phần hỗ trợ DN phát triển ổn định trong thời điểm khó khăn hiện nay, thì ngược lại, đẩy DN vào thế khó. Không phải do DN yếu kém năng lực, mà chính là từ chính sách khiến cho DN Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước khác” – một DN đã phải thốt lên khi thấy có quá nhiều rào cản về chính sách hiện nay kìm hãm sự phát triển của họ.