Doanh nghiệp nội: Đã yếu còn sính ngoại

Lê Anh 28/07/2015 04:30

Công nghiệp than - khoáng sản, thủy điện, hóa chất, sản xuất thép, vật tư, thiết bị điện,... là những ngành thế mạnh của quốc gia. Thế nhưng, các lĩnh vực mũi nhọn này lại đang có xu hướng trở thành “ao nhà” của các nhà thầu nước ngoài.

Doanh nghiệp nội: Đã yếu còn sính ngoại

Doanh nghiệp chậm đổi mới, đang tự đánh mất thị phần
vào tay nhà đầu tư nước ngoài­.

Đó là đánh giá sau 5 năm (2010 - 2015) thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.

Theo đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), về cơ chế chính sách thì hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật đối với các lĩnh vực nêu trên, đặc biệt là sản phẩm cơ khí. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua bán bản quyền thiết kế, đặc biệt là trong việc đầu tư các phần mềm thiết kế chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất trong nước khiến cho một số ngành có thế mạnh, như: thủy điện, xi măng, hóa chất, dầu khí, khai khoáng,…bị các nhà thầu nước ngoài thâu tóm.

Khó khăn chính nằm ở khâu lập kế hoạch đấu thầu vì nhiều hồ sơ mời thầu hiện nay đặt điều kiện tiên quyết là ưu tiên cho hàng nhập ngoại, loại bỏ hàng sản xuất trong nước ngay cả khi các sản phẩm này đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Thực tế chua chát là chính những sản phẩm trong nước sản xuất cũng không có “cửa” được ưu tiên trong các hồ sơ mời thầu vì đa số nhu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển, như: G7, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan; hoặc có khi yêu cầu của gói thầu phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc. Điều này đã giảm năng lực cạnh tranh của chính DN trong nước và tác động không nhỏ đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngay cả đối với các dự án ODA có quy mô lớn, nhà tài trợ thường yêu cầu phân chia gói thầu có giá trị quá lớn, vượt quá khả năng tham gia đấu giá của các nhà thầu trong nước nên nhà thầu tổ chức đấu thầu quốc tế thì có rất ít nhà thầu Việt Nam đáp ứng được yêu cầu hồ sơ mời thầu và thường chỉ tham gia với vai trò là nhà thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dẫn chứng: Ngay trong ngành chế tạo máy nông nghiệp trong nước cũng đang phải cạnh tranh không bình đẳng với sản phẩm nhập khẩu. Đó là chưa kể hiện thị trường chủ yếu là máy kéo 2 bánh, 4 bánh, động cơ và máy gặt đã qua sử dụng vẫn được nhập khẩu nhiều do giá rẻ. Do đó, VEAM gặp phải khó khăn về thị trường bởi các sản phẩm nhập khẩu (kém chất lượng) nêu trên đã chiếm được thị phần lớn không chỉ tại khu vực phía Nam (như những năm trước đây - PV) mà đã lan rộng ra phía Bắc.

Còn theo ông Đinh Văn Thành, Tổng GĐ Công ty POLYCO, ngay cả lĩnh vực cơ khí chế tạo thiết bị toàn bộ ngành đồ uống hiện cũng vấp phải những khó khăn tương tự. Mặc dù Chính phủ đã đưa ngành này vào chiến lược phát triển, với tầm nhìn đến 2020 nhưng do cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới mô hình tổ chức và trang thiết bị, công nghệ, đã khiến cho năng lực cạnh tranh của các DN trong nước trong lĩnh vực này bị tác động mạnh.

Trong đó, theo ông Thành vấn đề vốn là điều kiện tiên quyết nhất. Thậm chí, do thiếu vốn mà nhiều DN trong nước e ngại trong việc nâng cao và mở rộng sản xuất. Mặt khác, DN nội địa xuất phát từ tâm lý lo đầu ra cho sản phẩm chưa chắc chắn và các rủi ro biến động về môi trường kinh doanh, cũng khiến năng lực cạnh tranh bị lép vế so với các DN nước ngoài.

Trong quy hoạch được Bộ Công thương phê duyệt, mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của toàn ngành rượu bia – nước giải khát trong nước giai đoạn 2016 – 2025 sẽ chiếm đến 8%/năm. Riêng năm 2015 sẽ chạm ngưỡng sản xuất 4 tỷ lít. Tuy nhiên, giống như lo ngại của nhiều DN ngành này thì VCCI cũng cảnh báo về việc chậm đổi mới quản lý, công nghệ và chất lượng sản phẩm để áp ứng nhu cầu sẽ khiến các DN trong nước khó cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài.

Đối với các bất cập nêu trên, về mặt quản lý nhà nước hiện vẫn chưa có chế tài nghiêm khắc với các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đấu thầu vi phạm pháp luật nên không có hiệu quả cảnh báo, răn đe. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh việc thừa nhận những khó khăn về vốn, cũng như chậm đổi mới công nghệ, nhiều DN cũng cho rằng: Trong khi Việt Nam vừa hội nhập quốc tế, các DN trong nước đang chập chững tham gia vào thị trường quốc tế thì đã gặp khó từ chính những cản trở trong các thủ tục, chính sách mang nặng tâm lý “sính ngoại” (thể hiện qua hồ sơ đấu thầu - PV) nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nội: Đã yếu còn sính ngoại