Kinh tế

Doanh nghiệp oằn mình “cõng” giá cước vận tải

T.Hằng 30/07/2024 10:08

Thời gian qua, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn đang phải gồng mình vì giá cước vận tải liên tục leo thang.

anhtren(4).jpg
Các doanh nghiệp khó đặt được container rỗng, phải chờ đợi rất lâu mới có container để vận chuyển. Ảnh: H.H.

Giá cước tăng, khó đặt container rỗng

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ và lâm sản đang “đau đầu” trước tình hình cước vận tải biển tăng đột biến. Theo phản ánh của các DN, cước vận tải biển đi một số thị trường xa như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên 7.000-8.000 USD, thậm chí còn cao hơn nữa, trong khi cách đây khoảng một tháng chỉ ở mức độ 3.000-4.000 USD. Hơn nữa, các DN còn đang khó đặt được container rỗng, phải chờ đợi rất lâu mới có container để vận chuyển.

Ông Hoài nêu rõ, dù các DN gỗ chủ yếu xuất khẩu FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán – PV), nhưng khi giá cước tăng thì các nhà nhập khẩu nước ngoài đã đàm phán, điều chỉnh giá cả để cùng chia sẻ rủi ro, từ đó gây thiệt hại về lợi nhuận cho DN Việt Nam.

Còn bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) từng cho biết, căng thẳng Biển Đỏ hiện nay một lần nữa bộc lộ sự thiếu hụt của ngành logistics Việt Nam, khi các hãng tàu nước ngoài chi phối, độc quyền và quyết định giá cũng như quyết định việc tăng giá cước cùng với dịch vụ vận tải khác. Giá cước vận tải các tuyến đi Canada, Mỹ, châu Âu đều tăng từ 80%, thậm chí lên tới 300% so với tháng 12/2023 do câu chuyện tại vùng Biển Đỏ. Và các đường vận tải phải chuyển hướng khiến cho lộ trình dài hơn và thời gian lâu hơn, chi phí tăng lên.

Chứng kiến chi phí logistics biến động mạnh trong 4 năm trở lại đây, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty thực phẩm Sao Ta cho biết, nhiều DN chỉ chọn xuất khẩu thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để cắt giảm chi phí này. Nếu trước đây, cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000 USD/container trước dịch COVID-19 nay lên tới 13.000 - 14.000 USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000 USD/container... Có thời điểm tăng gần 25.000 USD/container.

Hướng mạnh vào logistics xanh

Giới chuyên gia cho rằng, muốn hạ được chi phí logistics, phải xây dựng được hệ thống logistics vững mạnh. Và việc bắt đầu là quy hoạch hạ tầng, khung thể chế…

Ông Hoàng Trung Thành - Tổng Giám đốc Viettel Post nhận định, liên quan đến việc đầu tư một mạng lưới logistics trên toàn quốc để kết nối các vùng, miền nuôi trồng, các khu công nghiệp với các hub giao thông ở mức độ cao nhất. Cụ thể gồm cả hệ thống kho, lưu trữ, bảo quản cho hàng hóa, đặc biệt với hàng nông sản là bảo quản sau thu hoạch, kết nối với các trung tâmgiao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, cũng là cách để giúp giảm chi phí. Đồng thời, kết nối thông minh bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó phải khai thác vị trí địa lý của Việt Nam để hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam. Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam phải được định hướng trở thành trung tâm logistics toàn cầu, kết nối hàng hóa giữa ASEAN với Trung Quốc và toàn cầu. Do vậy, phải xây dựng thành một trung tâm logistics toàn cầu, một hub logistics toàn cầu. Vì là hub nên hàng hóa dồn về Việt Nam rồi rẽ sang các hướng khác thông qua đường bộ, đường sắt, đường thủy. Điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm giao dịch nông sản giữa Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN và thế giới.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các DN Việt Nam phải không ngừng đầu tư công nghệ, quy mô, đổi mới phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với các DN, tập đoàn kinh tế nước ngoài. Cần nhận thức đầy đủ về logistics để từ đó khai thác hoàn thiện các dịch vụ gia tăng của chuỗi cung ứng và cần phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực.

Trong khi đó, xu hướng hiện nay, các quốc gia đều áp dụng tiêu chuẩn Xanh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, với ngành logistics, “xanh hóa” đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các DN để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong quá trình thực hiện logistics xanh, DN sẽ sử dụng nhiều năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình hoạt động, từ đấy cũng cắt giảm các chi phí hoạt động. Đặc biệt khi các DN ứng dụng logistics xanh sẽ xây dựng hình ảnh của họ một cách chuyên nghiệp hơn và được các khách hàng ưa chuộng hơn.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam nhấn mạnh, logistics xanh sẽ mang lại hiệu quả rất to lớn cho hoạt động của các DN. “Có 88% khách hàng được hỏi có xu hướng trung thành với các DN có biện pháp bảo vệ môi trường. Do đó, khi các DN ứng dụng logistics xanh trong chiến lược của mình thì về lâu dài sẽ gia tăng được số lượng khách hàng, tăng được nguồn thu và cắt giảm chi phí” – ông Khoa cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp oằn mình “cõng” giá cước vận tải