Doanh nghiệp thực phẩm vẫn bị làm khó

Thanh Giang 28/08/2017 08:35

Nhiều doanh nghiệp phân trần, có quá nhiều quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm làm mất thời gian, gia tăng chi phí chính thức và không chính thức, giảm tính cạnh tranh của DN khi hội nhập đến gần.

Thực phẩm chế biến gặp khó vì nhiều quy định không phù hợp.

Khắt khe hay làm khó?

Ông Lâm Bá Nhĩ – Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan than phiền, quy định giấy xác nhận công bố đang làm khó doanh nghiệp (DN).

Theo quy định DN phải có giấy xác nhận công bố, đồng thời in số công bố chất lượng lên bao bì.

“Kỳ lạ là Luật An toàn vệ sinh thực phẩm không quy định nhưng Nghị định lại yêu cầu như vậy. Sau 3 năm hết hiệu lực DN phải xin mới và thay đổi bao bì. Điều này vô hình trung gây tốn kém cho DN”, ông Lâm Bá Nhĩ bức xúc.

Theo đại diện đơn vị này, để tránh những thủ tục rờm rà về chất lượng thì nên hướng đến phương án để DN tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình.

Trớ trêu hơn, đại diện Vissan thắc mắc, trên bao bì công ty đã ghi rõ sản phẩm được sản xuất số nào, đường nào, quận mấy của TP HCM, vậy mà cơ quan chức năng còn bắt lỗi là phải thêm chữ Việt Nam sau TP HCM.

Cũng bức xúc về các quy định liên quan đến bao bì sản phẩm, bà Nguyễn Thị Huân – Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân than thở: “Cơ quan quản lý thay đổi xoành xoạch những quy định về bao bì, buộc DN phải chạy theo cho đúng. Mỗi lần đổi bao bì hết mấy trăm triệu. Điều này không nên chút nào”.

Liên quan đến những quy định khó hiểu đối với thực phẩm chế biến, bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM cho hay, có quy định DN phải dùng muối I - ốt trong chế biến thực phẩm.

Dùng muối I - ốt trong sản phẩm thực phẩm là chương trình quốc gia nên DN ủng hộ nhưng hiện nay đang vướng. Đơn cử, đối với sản phẩm nước mắm trong quá trình dùng cá ủ nước mắm đã có muối I - ốt thì có nhất thiết phải thêm vào cho hư màu và hỏng hương vị hay không?

Đã có DN đến ngày công bố thành phầm, chất lượng cho sản phẩm thì không được cấp. Khi DN nêu nghịch lý trên, cơ quan chức năng nói về ghi thêm thông tin i-ốt vào.

DN không thể công bố gian như thế được. Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM cho biết thêm, hiện có nhiều quy định lạ về chất lượng đối với thực phẩm chế biến.

Một số sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Úc,.. đã được công bố theo chuẩn các nước tiên tiến, vậy có cần tiếp tục kiểm tra không?

Liệu có cần quá khắt khe với DN chế biến khi mà theo thống kê của Hải quan TP.HCM trong năm 2016 có 0,04% lô hàng nhập khẩu trên tổng số vi phạm quy định.

Nản lòng doanh nghiệp

Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM thông tin, quá nhiều quy định là cùng giấy phép con gây nản lòng DN, giảm khả năng cạnh tranh.

Nguy cơ DN trong nước thua sản phẩm nước bạn trong hội nhập kinh tế. Thực tế cho thấy, 90% DN nhỏ và vừa của lĩnh vực thực phẩm đang gặp khó, trừ vài ba DN trụ cột của ngành.

Trước những khó khăn của DN thực phẩm, theo ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI TP.HCM, nhiều quy định, thủ tục không phù hợp gây khó DN.

Cứ thêm thủ tục là DN tăng chi phí chính thức và phi chính thức. Có trường hợp xin giấy tờ mà hình thức không đúng với thực tế.

Đại diện VCCI mong muốn, một mặt quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu về an ninh, sức khỏe người tiêu dùng, mặt khác cơ quan chức năng nên rà soát lại những quy định không phù hợp để đơn giản hóa cho DN.

Trả lời thắc mắc về các quy định không phù hợp mà DN ngành thực phẩm đang đối diện, bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang sửa Nghị định 38 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là cần thiết chứ không thể để DN tự công bố chất lượng. Hiện nay các nước chưa có một chuẩn quản lý về thực phẩm, song Việt nam cũng đang áp dụng hình thức quản lý tương tự.

Sản phẩm nước ngoài đang bán trên thị trường đều ghi rõ số giấy phép lưu hành đối với từng mặt hàng và họ tổ chức kiểm tra dừng khâu chế biến thực phẩm. Việt Nam không có điều kiện làm như thế, chỉ thực hiện được ở sản phẩm cuối cùng.

Theo bà Trần Việt Nga, có DN than khó về quy định công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nhưng khá nhiều DN lại muốn được công bố để tăng niềm tin cho người tiêu dùng. Thời gian tới, thị trường mà cứ yêu cầu cao thì nhà sản xuất cũng phải áp dụng theo.

Theo Luật sư Châu Việt Bách – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế: Nghị định 38 không phù hợp với Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.

Thậm chí, hiệu quả của Nghị định này không cao, lý do năm 2016 cả nước có tổng số vụ ngộ độc thực phẩm cao hơn năm 2013.

Như vậy, phải xem lại tính khả thi của Nghị định này. Quốc tế đang áp dụng hình thức kiểm tra điều kiện sản xuất và kiểm soát mức độ rủi ro. Chúng ta nên hướng đến phương pháp quản lý nhanh gọn, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp thực phẩm vẫn bị làm khó